Tiếp tục xây dựng, định hướng chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí
Trong buổi khảo sát thực tế và làm việc tại các cơ sở sản xuất của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp khí, đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị PV GAS tiếp tục nghiên cứu kỹ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế... tập trung vào 3 chủ đề chính để có các đề xuất, kiến nghị định hướng phát triển ngành trong thời gian tới.
Vừa qua, Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo kiêm Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã có buổi khảo sát thực tế và làm việc tại các cơ sở sản xuất của PV GAS.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, ngành công nghiệp dầu khí nói chung và ngành công nghiệp khí Việt Nam nói riêng trong thời gian qua đã có những phát triển, thành quả vượt bậc, đóng góp rất tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Để định hướng phát triển cho ngành, ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 nhằm định hướng và tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp đầu ngành dầu khí.
Sau gần 8 năm triển khai, Nghị quyết số 41-NQ/TW đã định hướng và tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của ngành, nhiều mục tiêu lớn đã và đang được triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.
Ngành công nghiệp khí Việt Nam nói chung, PV GAS nói riêng thời gian qua đã có những đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Trong bối cảnh xu hướng xanh hóa các nguồn nguyên/nhiên liệu đang diễn ra rất mạnh trên toàn thế giới, công nghiệp khí được dự báo sẽ đóng vai trò đầu tàu, then chốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
Báo cáo về kết quả triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển ngành dầu khí Việt Nam theo yêu cầu tại Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, đại diện lãnh đạo PV GAS cho biết, PV GAS đã cơ bản thực hiện thành công và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra. Trong đó, bằng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo quyết liệt các tổ chức lãnh đạo thuộc Đảng và chính quyền cũng như sự nỗ lực hết mình của toàn thể đội ngũ CBCNV, PV GAS đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí hoàn chỉnh, tham gia tích cực và khẳng định được uy tín trên thị trường kinh doanh sản phẩm khí quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia và xác lập nhiều kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận, qua đó đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước...
Bên cạnh những thuận lợi, thành công trong việc triển khai thực hiện nghị quyết 41-NQ/TW, đại diện lãnh đạo PV GAS đã có những đánh giá khách quan và thẳng thắn, báo cáo Ban Kinh tế Trung ương về những khó khăn, thách thức tác động tới hoạt động, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững trong dài hạn của ngành công nghiệp khí Việt Nam như sự suy giảm nhanh của các nguồn khí nội địa trong khi việc tìm kiếm, bổ sung các nguồn khí mới chưa kịp thời; khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhập khẩu và kinh doanh LNG, triển khai chế biến sâu; việc phê duyệt cước phí của các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều vướng mắc và có các cách hiểu/quan điểm khác nhau dẫn đến hạn chế cho phát triển các dự án hạ tầng ngành công nghiệp khí; cơ sở pháp lý cho việc triển khai các dự án bổ sung nguồn năng lượng mới như khí hydrogen...
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung, nhận diện và phân tích các thách thức nêu trên, qua đó làm rõ những tồn tại, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trọng tâm theo 3 nhóm vấn đề chính: Hạ tầng công nghiệp khí; Cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp chủ đạo, nòng cốt; Định hướng phát triển cho các lĩnh vực nâng cao giá trị của khí như chế biến sâu và hydrogen. Lãnh đạo PV GAS nhìn nhận rõ đây là những lĩnh vực then chốt cần sự lưu tâm, cân nhắc của Ban Kinh tế Trung ương trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo Đề án. Hầu hết ý kiến tại cuộc họp đồng tình với việc đề xuất Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương, định hướng chiến lược mới và cụ thể cho phát triển ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp khí nói riêng.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể PV GAS trong vai trò đơn vị đầu ngành đã đạt được trong quá trình hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 41, cũng như các nội dung phân tích, kiến nghị của PV GAS trong việc hoàn thiện thể chế ngành công nghiệp khí trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Theo đó, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị PV GAS tiếp tục nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp tục đánh giá toàn diện các vấn đề theo nội dung của Nghị quyết 41-NQ/TW để bổ sung cơ sở đề xuất, kiến nghị cho Đề án. Trong đó, các kiến nghị cần tập trung vào 3 chủ đề chính: hạ tầng công nghiệp khí LNG, cơ chế chính sách, phương hướng phát triển các lĩnh vực mới của ngành công nghiệp khí bao gồm chế biến sâu và phát triển hydrogen.
Ngoài ra, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị PV GAS sớm cung cấp thông tin, đề xuất chi tiết; Tổ Biên tập xây dựng Đề án sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến trao đổi, thảo luận với đại diện PV GAS để nghiên cứu, chắt lọc tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo Đề án trong thời gian sớm nhất trình Bộ Chính trị.