(TN&MT) - Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội đã chỉ ra những kết quả qua 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 – 2015) cùng hàng loạt thách thức trong điều hành kinh tế vĩ mô thực hiện kế hoạch năm 2014. Giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đã được đề cập cần tiếp tục được quan tâm trong thời gian tới.
Bội chi cao hơn kế hoạch
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, Chính phủ thực hiện đạt 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Trong đó 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP (đạt 29,1% so với kế hoạch 30%) và tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP (5,3% so với kế hoạch 4,8%). Hai chỉ tiêu xấp xỉ đạt là tăng trưởng GDP (đạt 5,4% so với kế hoạch 5,5%) và tạo việc làm (tạo được 1,54 triệu việc làm so với kế hoạch 1,6 triệu).
Thủ tướng khẳng định, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát song vẫn chưa vững chắc. Theo Thủ tướng, mức nợ xấu "còn cao": Đến cuối tháng 8, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,64%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động 9 tháng tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm. Cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển.
Đề cập mục tiêu tổng quát trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, năm 2014 sẽ tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Về chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,8%. Giá tiêu dùng tăng khoảng 7%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...
Quan tâm đến bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH
Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2013 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 của Chính phủ nêu rõ: Các quy định, cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tập trung xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý để bảo vệ, khai thác hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên.
Công tác kiểm tra, theo dõi công tác giao đất, cho thuê đất, rà soát các dự án chậm đưa đất vào sử dụng; kiểm tra tình hình thực hiện thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đẩy mạnh. Công tác quản lý chất thải và cải thiện môi trường được tăng cường. Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn, thực hiện việc thu gom chất thải rắn, bảo vệ môi trường.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015 được tích cực triển khai.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được tích cực tổ chức thực hiện thông qua việc nghiên cứu xây dựng Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý dự kiến đạt 85%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 84%.
Dự báo đến cuối năm 2013 tỷ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường mới đạt 75%, rất khó đạt kế hoạch đề ra là đạt 100% vào năm 2015.
Đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2014, báo cáo của Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thực hiện có hiệu quả các định hướng ưu tiên về tài nguyên và môi trường của Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Chính phủ cũng cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, tập trung xử lý môi trường làng nghề, kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cùng với đó, nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến động khí hậu bất lợi đối với môi trường; ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả xấu do thiên tai gây ra. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường ở các lưu vực sông, bảo đảm cân bằng sinh thái. Tích cực triển khai các thủ tục để Việt Nam tham gia Công ước Liên hợp quốc về sử dụng các nguồn nước quốc tế vào năm 2014…
Tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ không cao Theo nhiều dự báo, mặc dù thị trường tài chính toàn cầu đang hồi phục nhưng triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 khu vực sản xuất vẫn còn trì trệ, các hoạt động đầu tư và thương mại chưa lấy được đà tăng trưởng tốc độ cao trở lại. Trong bối cảnh đó, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp, dù năm 2013 tăng được 5 bậc so với năm 2012, nhưng một số chỉ số cấu thành quan trọng lại có sự sụt giảm, như hiệu quả của thị trường lao động tụt 5 bậc, sự phát triển của thị trường tài chính tụt 5 bậc, sự sẵn sàng về công nghệ tụt 4 bậc. Với những hạn chế, khó khăn của 3 năm 2011-2013 như đã nêu ở trên, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2013; trong các khu vực tạo ra tăng trưởng gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân, khu vực nông nghiệp và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì chỉ có khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là có khả năng giữ nhịp độ tăng trưởng cao. (Nguồn:Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) |
Thúy Hằng