Ngành TN&MT

Tiếp tục góp ý xây dựng định mức chi phí tái chế Fs thúc đẩy tái chế, bảo vệ môi trường

Phạm Oanh 07/11/2023 20:01

(TN&MT) - Chiều ngày 7/11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì buổi làm việc với một số Hiệp hội doanh nghiệp về các góp ý, kiến nghị để xây dựng định mức chi phí tái chế (Fs) hợp lý, thực thi tái chế hiệu quả, giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định định mức chi phí Fs nhằm mục đích quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.Quan điểm xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm đúng thẩm quyền, hình thức và tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu bảo vệ môi trường và định hướng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của Đảng, Nhà nước.

2.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì buổi làm việc

Bên cạnh đó, định mức Fs phải bảo đảm các chi phí hợp lý, hợp lệ; Tạo động lực cho nhà sản xuất, nhập khẩu thay đổi thiết kế, sản xuất, tiêu dùng sản phẩm, bao bì theo hướng thân thiện môi trường và chủ động tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì; Bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ công nghệ tái chế sản phẩm, bao bì thực tế và phản ánh đầy đủ, đúng thực tế các chi phí tái chế sản phẩm, bao bì trong nước; nghiên cứu, tham khảo và chọn lọc kinh nghiệm của quốc tế có cách tiếp cận tương đồng với Việt Nam…

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết: Ngay sau khi thành lập Tổ soạn thảo dự thảo Quyết định, Bộ TN&MT đã thành lập nhóm chuyên gia tư vấn, phối hợp chặt chẽ các nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tái chế của Đại học Bách khoa Hà Nội, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam tổ chức điều tra, khảo sát thực tế tái chế và chi phí tái chế sản phẩm, bao bì thực tế tại 72 cơ sở tái chế chất thải trên cả nước; nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tham vấn các chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm như Liên minh Châu Âu (EU), Đức, Na Uy, Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Singapore, Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF Việt Nam), Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam…

1(2).jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Bộ TN&MT cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội có liên quan tổ chức nhiều hội thảo tham vấn rộng rãi để góp ý cho đề xuất Fs và dự thảo Quyết định và có Công văn gửi xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan; Đăng tải toàn văn dự thảo Quyết định và hồ sơ kèm theo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân theo quy định.

Đến nay, Bộ TN&MT đã tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quyết định; đồng thời, xin ý kiến của Ban cán sự đảng Bộ TN&MT trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam; Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam; Chi hội Nhựa Tái sinh… đều cho rằng, dự thảo Quyết định đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ; bảo đảm đúng thẩm quyền, hình thức và tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cơ bản đảm bảo các chi phí hợp lý, hợp lệ. Tuy nhiên, một số các đại diện cho rằng, một số chi phí tái chế theo dự thảo hiện nay còn thấp hơn so với thực tế chi phí tái chế của doanh nghiệp.

“Trong quá trình xây dựng dự thảo Fs, Bộ TN&MT rất lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các bên. Cá nhân tôi cho rằng, hiện, dự thảo Fs đã khá hài hòa. Tuy nhiên, chi phí cho nhôm và nhựa PET vẫn là thấp hơn so với chi phí thực tế”, bà Chu Thị Kim Thanh, đại diện Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam cho biết.

Đồng quan điểm này, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh Việt Nam cho rằng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tái chế, cũng như thúc đẩy nền tái chế hiện đại, bảo vệ môi trường thì hệ số Fs của một số sản phẩm cần tăng lên. Chẳng hạn như nhôm phải ở mức 5.000 đồng/1kg thay vì 2.000 đồng/1kg và nhựa PET là 3.900 đồng/1kg chứ không dừng ở mức 1.900/1kg như dự thảo hiện nay.

Sau khi nghe ý kiến của các đại diện, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổ soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp, kiến nghị để xây dựng định mức chi phí tái chế Fs hợp lý, thực thi tái chế hiệu quả, giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp trên tinh thần trách nhiệm chung, ủng hộ chính sách EPR nói chung và Fs nói riêng hướng đến thực thi tái chế hiệu quả, giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kinh tế tuần hoàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục góp ý xây dựng định mức chi phí tái chế Fs thúc đẩy tái chế, bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO