Tiếp tục cập nhật kịch bản BĐKH

21/01/2016 00:00

(TN&MT) - Việc xây dựng và cập nhật các kịch bản BĐKH, nước biển dâng là nhiệm vụ được xác định rõ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH và...

 

(TN&MT) - Việc xây dựng và cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD) là nhiệm vụ được xác định rõ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH và Chiến lược quốc gia về BĐKH của Việt Nam. Do đó, theo lộ trình, Việt Nam đang tiếp cập nhật kịch bản BĐKH, NBD để phục vụ cho các địa phương và Bộ, ngành trong đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp thích ứng phó.

Thời tiết tiếp tục phức tạp, nước biển sẽ tăng cao

Theo những kết quả phân tích trong việc nghiên cứu xây dựng Kịch bản BĐKH, NBD cho thấy, nền nhiệt độ đang có chiều hướng gia tăng khiến thời tiết ngày càng cực đoan hơn. Cụ thể, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, diễn biến thời tiết, thuỷ văn trên cả nước có nhiều bất thường đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân. Trong đó, năm 2015 đã xảy ra 4 đợt rét đậm, rét hại, với tổng số 16 ngày rét đậm trên diện rộng. Đặc biệt là đợt gió mùa Đông Bắc mạnh xảy ra vào đêm 06/01/2015 và ngày 13/12/2015 làm nền nhiệt Bắc Bộ giảm sâu, tại Sa Pa tỉnh Lào Cai đã xuất hiện mưa tuyết và băng giá; xảy ra 17 đợt nắng nóng diện rộng, trong đó ở các tỉnh khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện 2 đợt nắng nóng diện rộng kéo dài, nhiều nơi đã vượt mức lịch sử quan trắc cùng thời kỳ.

Mực nước biển dâng ngày càng cao hơn đang gây nhiều khó khăn cho người dân khu vực ĐBSCL
Mực nước biển dâng ngày càng cao hơn đang gây nhiều khó khăn cho người dân khu vực ĐBSCL

Tình trạng khô hạn nghiêm trọng cũng đã xảy ra trên địa bàn các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận, đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống người dân. Bên cạnh đó, năm 2015 cũng có 23 đợt mưa lớn diện rộng. Trong đó, có đợt mưa lớn diện rộng từ ngày 26-28/3 tại các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi là trái quy luật và chưa từng gặp trong chuỗi số liệu quan trắc; đợt mưa lớn diện rộng lịch sử xảy ra từ ngày 25/7-04/8 tại Bắc Bộ với tâm mưa là tỉnh Quảng Ninh gây lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại nhiều về người và tài sản cho người dân.

Ngoài ra, năm 2015 mực nước biển dâng cao hơn khiến nhiều diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp nên tình trạng xói lở bờ biển ngày càng diễn ra nghiêm trọng, gây khó khăn cho những người dân sinh sống ở các khu vực ven biển, đe dọa các công trình giao thông, xây dựng, công nghiệp và một số đô thị trên nhiều tuyến bờ biển. 

Theo tính toán của các chuyên gia khoa học, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm sẽ tăng 2-3°C trên phần lớn diện tích cả nước, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với những nơi khác. Số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35°C tăng từ 15 đến 30 ngày trên phần lớn diện tích cả nước. Lượng mưa năm tăng trên hầu hết lãnh thổ với mức tăng phổ biến từ 2-7%; xu thế chung là lượng mưa mùa khô giảm và lượng mưa mùa mưa tăng. Lượng mưa ngày lớn nhất tăng ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ và giảm ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ. Tại dải ven biển Việt Nam, khu vực có mực nước biển dâng thấp hơn là khu vực ven biển từ Móng Cái đến Đà Nẵng. Khu vực ven biển các tỉnh phía nam từ Đà Nẵng trở vào và vùng biển Cà Mau – Kiên Giang có mực nước biển dâng cao hơn.

Nhiều phương pháp mới được áp dụng để cập nhật kịch bản

Ông Dương Hồng Sơn, Phó viện trưởng Viện Khoa Học KTTV & BĐKH cho biết: Để có một kịch bản phù hợp với điều kiện ở Việt Nam nhằm giúp các ngành, địa phương chủ động hơn trong ứng phó BĐKH, hiện Viện Khoa Học KTTV & BĐKH đang tích cực hoàn thiện các báo cáo khoa học làm cơ sở cho việc tính toán cho một kịch bản mới.

Theo đó, kịch bản BĐKH, NBD  lần này được tính theo phương pháp và số liệu mới nhất từ các kịch bản nồng độ khí nhà kính RCPs (các kịch bản khí nhà kính trước đây là SRES). Đồng thời, thời kỳ so sánh trong kịch bản lần này là 1986 – 2005 (kịch bản trước đây là 1980 -1999). Đặc biệt hơn, kịch bản BĐKH, NBD lần này đã đưa ra các ước tính trung bình và cận trên, cận dưới cho từng kịch bản RCPs (kịch bản lần trước chỉ có cận trên và cận dưới)…

Cũng theo ông Dương Hồng Sơn, dù có rất nhiều điểm mới, song kịch bản BĐKH, NBD lần này mới chỉ xem xét, ước tính xu thế biến đổi của mực nước biển trung bình, mực nước biển trung bình trong thế kỷ 21 tăng sẽ làm mực nước biển cực trị sẽ tăng. Điều này dẫn đến các nguy cơ xảy ra các hiểm họa thiên tai đến từ biển ngư ngập lụt gây ra bởi nước dâng do bão, triều cường. Ước tính mực nước biển dâng trong kịch bản lần này cũng chưa xem xét đến quá trình sụt lún địa chất.

Do đó, việc sử dụng kịch bản NBD cho Việt Nam trong đánh giá tác động và xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Đặc biệt, khi triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó không nhất thiết phải tiến hành đại trà ở quy mô thế kỷ, mà cần phải có sự phân kỳ thực hiện; cần phải xác định được mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn, nguồn lực có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp nhất. Kịch bản thấp và kịch bản trung bình có thể được áp dụng đối với các tiêu chuẩn thiết kế cho các công trình mang tính không lâu dài và các quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn; Kịch bản cao cần được áp dụng cho các các công trình mang tính vĩnh cửu, các quy hoạch, kế hoạch dài hạn.

Bài & ảnh: Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục cập nhật kịch bản BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO