Tiếp cận đa bên trong giám sát, đánh giá chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hoàng Ngân| 28/05/2020 14:11

(TN&MT) - Ngày 27/5, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Hội chủ rừng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tiếp cận đa bên trong giám sát, đánh giá chính sách tri trả dịch vụ môi trường rừng”.

Ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo được tổ chức với mục đích nhận diện và chia sẻ các cách tiếp cận khác nhau trong thiết kế và xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) quốc gia và địa phương.

Thảo luận về cơ hội cho sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước (tổ chức nghiên cứu, xã hội dân sự và cả cộng đồng) trong thiết kế và thực hiện hệ thống giám sát, đánh giá chi trả DVMTR. Góp phần đóng góp các kiến nghị chính sách hướng đến thể chế hóa đánh giá, giám sát chi trả DVMTR.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam cho biết: Việc chi trả DVMTR về bản chất là mối quan hệ chi trả dịch vụ giữa người sử dụng dịch vụ và người có rừng hoặc tham gia cũng ứng dịch vụ môi trường rừng, thông qua một tổ chức mà họ ủy thác là Quỹ bảo vệ Phát triển rừng Việt Nam và các quỹ cấp tỉnh.

Theo những báo cáo gần đây, việc chi trả DVMTR dù thấp nhưng cũng đã góp phần vào việc cải thiện đời sống người dân có rừng hay bảo vệ rừng và cũng góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng chung.

“Tuy nhiên, để bảo vệ được rừng, chúng ta không chỉ dựa vào một chính sách chi trả DVMTR mà chúng ta cần nhiều hơn các cơ chế như thế này, cần mở rộng nhiều hơn các loại dịch vụ, mức chi trả cũng cần tính toán lại để đảm bảo tương xứng với giá trị và nỗ lực bảo vệ rừng đặt ra. Đồng thời, cần tạo thêm nhiều cơ hội để người chi trả, người nhận chi trả và các bên liên quan có nhiều trực tiếp trao đổi, thảo luận để tiếp tục cải thiện chính sách này tốt hơn”, ông Hứa Đức Nhị nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Hội chủ rừng Việt Nam, việc giám sát và đánh giá chi trả DVMTR là điều hết sức cần thiết và cấp bách khi hoạt động chi trả DVMTR ngày càng được thực hiện với nhiều loại hình dịch vụ ở mức độ sâu, rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Chia sẻ về tình hình thực hiện kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR tại Việt Nam, ông Nguyễn Chiến Cường, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết: Hệ thống Quỹ từ Trung ương đến địa phương hiện đang áp dụng cơ chế kiểm tra giám sát, đặc biệt là các nội dung về thu, chi tiền DVMTR, ký kết hợp đồng, quản lý bảo vệ rừng, chi trả qua tài khoản và trồng rừng thay thế.

Hình thức báo cáo là bằng văn bản định kỳ và đột xuất; cập nhật CSDL trực tuyến; tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, kiểm toán độc lập hàng năm; tổ chức đánh giá lập việc thực hiện chính sách và áp dụng trả tiền DVMTR qua giao dịch điện tử.

Trong thời gian tới, hoàn thiện Sổ tay Hướng dẫn kiểm tra, giám sát đánh giá và Sổ tay thanh toán tiền DVMTR qua giao dịch điện tử; duy trì chế độ báo cáo định kỳ, cập nhật cơ sở dữ liệu; áp dụng chi trả qua tài khoản ngân hàng, giao dịch điện tử, bưu điện; Tổ chức các Đoàn kiểm tra theo kế hoạch và khi có sự vụ; đánh giá 10 năm thực hiện chính sách.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận về các quy định hiện hành và cách tiếp cận xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chi trả DVMTR ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về tiến trình và định hướng xây dựng hệ thống giám sát đánh giá chi trả DVMTR.

Phát biểu tổng kết buổi hội thảo, ông Nguyễn Bá Ngãi cho hay, qua các bài chia sẻ, chúng ta đều khẳng định giám sát, đánh giá chi trả DVMTR ở Việt Nam là cần thiết, chúng ta đã có những kinh nghiệm trên thế giới và Việt Nam.

Nhìn chung, về dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đều thống nhất có 4 loại phương pháp đánh giá được quan tâm nhiều nhất là giám sát đánh giá giữa bên cung ứng DVMTR và bên sử dụng DVMTR; giám sát nội bộ, giám sát theo cấp quản lý, giám sát theo chương trình dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp cận đa bên trong giám sát, đánh giá chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO