Tiếp bài "Trạm trộn bê tông hành dân": Chính quyền yêu cầu xử lý dứt điểm

11/06/2018 19:00

(TN&MT) - Như báo Tài Nguyên và Môi Trường đã thông tin về phản ánh của người dân xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội tình trạng sử dụng đất sai mục đích, trạm...

(TN&MT) - Như báo Tài Nguyên và Môi Trường đã thông tin về phản ánh của người dân xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội tình trạng sử dụng đất sai mục đích, trạm trộn bê tông, nhà xưởng hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp khu vực chân cầu Thanh Trì. UBND huyện Gia Lâm đã vào cuộc và yêu cầu xử lý.

Được biết, Công ty Cổ phần Trọng Phụng (thôn Thượng, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) do ông Nguyễn Trọng Phụng làm Giám đã đốc ký Hợp đồng số 12/HĐ-UBND ngày 01/11/2011 với UBND xã Đông Dư về việc giao thầu mặt bằng tổ chức thực hiện phương án: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kết hợp với kinh doanh dịch vụ và du lịch sinh thái khu đất Vậu, bờ đầm sông Lòng Bống, thôn Thượng, xã Đông Dư”. Diện tích thuê thầu theo phương án phê duyệt khoảng 20.072m2.  Trong đó có khoảng 15.000m2 đất đã được nhà thầu OBAYSISUMITOMO - Nhật Bản sử dụng trước đó làm hai trạm trộn bê tông để phục vụ cho việc thi công xây dựng cầu Thanh Trì.

Lợi dụng điều này, từ năm 2007 đến nay, Công ty Cổ phần Trọng Phụng sau khi được thuê đất, đã ngang nhiên cho xây dựng thêm nhà xưởng, hoạt động hai trạm trộn bê tông xi măng và asphalt ngay trên diện tích đất đã được phê duyệt để phát triển cơ cấu cây trồng và vật nuôi kết hợp du lịch sinh thái.

Hai trạm trộn bê tông này hoạt động trái phép trong điều kiện không có biện pháp bảo vệ môi trường, không có biện pháp xử lý chất thải, nước thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân vô cùng bức xúc.

Công ty Cổ phần Trọng Phụng không chỉ sử dụng đất sai mục đích; cho hoạt động trái phép các trạm trộn bê tông, nhà xưởng trên đất nông nghiệp mà còn vi phạm hành lang đê điều (tuyến đê Long Biên - Bát Tràng) và hành lang an toàn cầu Thanh Trì.
Tiếp bài Trạm trộn bê tông hành dân: Chính quyền yêu cầu xử lý dứt điểm
Trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường
Trước đó, để đốc thúc xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có Công văn số 2242/VP-KT, đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã có đê xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
anh
Trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường
Công văn này cho biết UBND TP. Hà Nội nhận được các văn bản của Tổng cục Phòng, chống thiên tai thông báo kết quả thực hiện dự án cấp bách, xung yếu đê điều, phòng chống thiên tai, kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều và công tác quản lý đê điều năm 2018 và đề nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu: Chính quyền các cấp tổ chức xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, đồng thời, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về đê điều, nhất là những vụ vi phạm mới phát sinh; thông báo rộng rãi kết quả chỉ đạo, xử lý đến người dân, tạo sự đồng thuận; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân. Các cấp, các ngành tăng cường phối hợp thực hiện trách nhiệm trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định của pháp luật. UBND TP. Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận, huyện, thị xã có công trình vi phạm pháp luật về đê điều khẩn trương có phương án, nghiêm túc chỉ đạo, thực hiện xử lý dứt điểm, báo cáo UBND thành phố.

Tuy nhiên, UBND xã Đông Dư đã phát hiện ra sai phạm của Công ty Cổ phần Trọng Phụng nhưng vẫn “tạo điều kiện” cho Công ty này hoạt động mà không có biện pháp xử lý dứt điểm.

Ngày 14/5/2018, Công ty Cổ phần Trọng Phụng có Văn bản số 08/CV-VPCT gửi UBND TP Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Về việc thuê đất làm xưởng đúc bê tông cấu kiện”. Công ty này cho rằng trong quá trình giao thầu từ năm 2011 đến 2016 đã thực hiện đầy đủ theo dự án được duyệt và đạt được hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại văn bản này của doanh nghiệp bởi trong suốt những năm qua, Công ty Cổ phần Trọng Phụng đã sử dụng đất sai mục đích; cho hoạt động trạm trộn bê tông, nhà xưởng trái phép, vi phạm pháp luật về đê điều.

Sau khi báo Tài nguyên và Môi Trường phản ánh, UBND huyện Gia Lâm đã có Công văn số 1224/UBND-TNMT ngày 4/6/2018 về việc xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất của Công ty Cổ phần Trọng Phụng. Công văn nêu rõ: Ngày 4/4/2018, UBND huyện Gia Lâm có Văn bản số 616/UBND-TNMT về việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty Cổ phần Trọng Phụng. Theo văn bản trên: UBND huyện đã thống nhất về chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và yêu cầu Công ty Cổ phần Trọng Phụng chỉ được hoạt động khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đối với Công ty Cổ phần Trọng Phụng: Dừng ngay mọi hoạt động của trạm trộn bê tông, không được phép hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hồ sơ xin thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với UBND xã Đông Dư: Tổ chức giám sát việc dừng hoạt động của Công ty Cổ phần Trọng Phụng, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền nếu trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần Trọng Phụng tiếp tục hoạt động, định kỳ báo cáo kết quả giám sát về UBND huyện (qua phòng Tài nguyên và Môi trường) vào ngày 20 hàng tháng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài "Trạm trộn bê tông hành dân": Chính quyền yêu cầu xử lý dứt điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO