Tiếp bài "Thi công tuyến đường nghìn tỷ ở Bắc Kạn": Trạm bê tông Thành Quý đổ thải ven suối
(TN&MT) - Như Báo Tài nguyên và môi trường đã phản ánh, việc các nhà thầu thi công tuyến đường từ TP. Bắc Kạn vào Hồ Ba Bể thiếu trách nhiệm, gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên phát hiện Trạm trộn bê tông Thành Quý đặt ngay ven suối, nước thải cũng chảy dài thành vệt. Còn cát, đá, sỏi thì vương vãi ra đường. Ai cho phép các phương tiện vận tải rửa bồn, đổ bê tông thừa ra vệ suối?.
Dân khổ vì nhà thầu
Trao đổi với phóng viên, anh Nông Văn Lũy, trú tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn cho biết: Là người dân buôn bán nên hàng ngày tôi phải chở hàng hóa bằng xe máy từ Bằng Phúc ra ngoài thị trấn. Lúc trước, chưa làm đường thì giao thông đi lại còn dễ dàng, thuận tiện. Nhưng từ ngày họ bới đất ra làm đường, khiến việc đi lại rất khó khăn. Tuyến đường giao thông qua xã Bằng Phúc gặp nhiều khó khăn. Ngày nắng, do không có xe tưới nước thường xuyên, nên con đường bụi bặm mù mịt. Còn ngày mưa đầy sình lầy, trơn trượt. Đáng buồn nhất là ngay con đường giao thông đi lại của người dân, có một trạm trộn bê tông của Công ty Thành Quý dựng ven đường đi lại của người dân. Hệ quả là cát, đá, nước bẩn từ trạm bê tông vương vãi ra đường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng ngày xe thi công chạy vào đường dân sinh, kéo theo đất, đá, cát sỏi vương vãi ra, gây tiềm ẩn mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Do có nhiều xe quá tải chạy vào đường dân sinh, nên con đường đã bị “băm nát”, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu khiến người dân bức xúc.
“Mục sở thị” tại điểm đặt Trạm trộn bê tông Thành Quý, phóng viên nhận thấy: Đơn vị này không hề quây tôn lại khu sản xuất, mà đắp một ụ đất rồi đổ bê tông lên, đặt phễu dẫn cát, đá sỏi vào máy trộn. Nước thải không được thu gom vào thùng chứa, chạy thẳng ra suối và các phế phẩm xây dựng, rác thải công nghiệp cũng nhân đó tập kết ven suối.
Một công nhân tại đây cho biết: Mình mới vào làm thuê cho doanh nghiệp, nên cũng không nắm được vấn đề!. Hằng ngày, nhiệm vụ của người này chủ yếu là dùng máy xúc, xúc đá, cát đổ vào máng phễu để làm bê tông. Anh này cũng thừa nhận, đúng là tình trạng lầy lội tại đây là có thật. Còn việc hàng ngày xả nước thải xuống suối, thì người này bảo không biết, vì không lái xe tải và rửa máy.
Xã thẳng thắn kiến nghị
Rộng đường dư luận, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường liên hệ đến Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bắc Kạn để tìm hiểu về việc này. Sau nhiều ngày chờ đợi, phóng viên được bà Loan, người tự nhận là phụ trách Văn phòng của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Khi thi công tuyến đường, BQL có cho phép lắp đặt trạm trộn bê tông. Nhưng bà Loan không nói rõ vị trí lắp đặt ở đâu, công tác bảo vệ môi trường như thế nào? trách nhiệm của đơn vị ra sao nếu gây ô nhiễm?… Còn theo thông tin trên một tấm biển quảng cáo mà Công ty Thành Quý này treo tại đó, thì trạm bê tông được xây dựng ngày 7/6/2022, công suất của trạm là 60m3/h.
Tìm hiểu được biết, Trạm bê tông trên là của Công ty TNHH MTV Thành Quý có địa chỉ tại số 666, tổ 12, phường Phùng Chí Kiên, Thành phố Bắc Kạn, chủ sở hữu là ông Ngô Thành Quý kiêm người đại diện theo pháp luật. Phóng viên tiếp tục liên hệ nhiều lần với ông Quý nhưng ông này không bắt máy.
Ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc, cho biết: Đúng là con đường 257B cũ đã bị xúc đi, có chỗ xúc sâu đến 20m. Bên cạnh những khó khăn về nước thải ra đường, bà con nhân dân còn bức xúc thắc mắc về việc mương dẫn nước bị xúc và vỡ, khiến cho mùa màng của bà con bị thiệt hại. Những nội dung kiến nghị đó, trong cuộc tiếp xúc cử tri, khi tiếp xúc với đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, cử tri đã có 5, 6 ý kiến kiến nghị rồi. Giờ thì chờ cấp trên xem xét giải quyết.
Mang bức xúc của người dân phản ánh lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Đồn, ông Trần Đức Trung Thiên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Đồn cho biết: Tuyến đường này do tỉnh đầu tư, nên mời phóng viên lên tỉnh hỏi, bởi đây là công trình của tỉnh. Sau đó phóng viên đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chuyên môn, thẩm quyền quản lý, giám sát của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhưng ông Thiên không trả lời và đều “đẩy” trách nhiệm lên cấp trên.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bắc Kạn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, UBND huyện Chợ Đồn cần sớm vào cuộc kiểm tra và xử lý những tồn tại nêu trên để người dân không còn bức xúc.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh những bất cập tại tuyến đường này.