Tiếp bài Thanh Hóa: Ai “bật đèn xanh” cho công trình xây dựng lấn chiếm hành lang đê?: Nhắc nhở nhiều lần nhưng không xử phạt?

12/08/2018 16:47

(TN&MT) - Trước tình trạng ngang nhiên xây dựng trái phép nhà bảo vệ và khu sơ chế hải sản vi phạm hành lang bảo vệ Đê điều của Hội doanh nghiệp nữ Hậu Lộc, Hạt quản lý đê Hậu Lộc đã nhiều lần lập biên bản vi phạm Luật đê điều và yêu cầu tháo dỡ các hạng mục vi phạm. Tuy nhiên, việc Hạt quản lý đê điều Hậu Lộc lập biên bản vi phạm như “muối bỏ bể”, trước tình trạng chây ì không chấp hành của bà Nguyễn Thị Năm (Chủ tịch Hội doanh nghiệp nữ Hậu Lộc), UBND huyện Hậu Lộc đã yêu cầu phải tháo dỡ công trình vi phạm trước ngày 15/08.

Ngày 6/8, Báo Tài nguyên và Môi trường có bài Thanh Hóa: Ai “bật đèn xanh” cho công trình xây dựng lấn chiếm hành lang đê?, phản ánh về việc Hội doanh nghiệp nữ Hậu Lộc xây dựng nhà bảo vệ và khu sơ chế hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều, cụ thể: Nhà bảo vệ dài 8,0m, rộng 3,4m, cao 3,3m, kết cấu móng và xây dựng gạch buy, cách chân phía đồng 9,6m; khu sơ chế dài 29m, rộng 11,5m, cáo 3,3m kết cấu móng xây dựng bê tông đúc sẵn, mái lợp tôn, các chân đê phía đồng từ 14,5-24m tại K27+800 đê Hữu sông Lèn xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).
 

Công trình khu sơ chế hải sản, hạng mục nhà bảo vệ vi phạm hành lang bảo vệ đê điều của Hội doanh nghiệp nữ Hậu Lộc.
Công trình khu sơ chế hải sản, hạng mục nhà bảo vệ vi phạm hành lang bảo vệ đê điều của Hội doanh nghiệp nữ Hậu Lộc.

Điều đáng nói, trong quá trình xây dựng khu sơ chế hải sản của bà Nguyễn Thị Năm trong nhiều tháng nay, tại sao phía UBND xã Đa Lộc lại không tiến hành kiểm tra, giám sát? Việc xây dựng liệu có đúng với hồ sơ thiết kế và tại sao đến khi Chi cục Đê điều tiến hành kiểm tra thì mới phát hiện sai phạm? Phải chăng đang có sự “chống lưng” cho điều này?

Theo tìm hiểu của PV, từ tháng 5 đến tháng 7, Hạt quản lý đê điều huyện Hậu Lộc đã 7 lần lập biên bản vi phạm Luật Đê điều đối với công trình khu sơ chế hải sản của bà Nguyễn Thị Năm. Trong công văn số 07/QLĐ-HL của Hạt quản lý đê Hậu Lộc gửi UBND huyện Hậu Lộc ngày 02/7/2018 về việc khu sơ chế hải sản của bà Nguyễn Thị Năm vi phạm khoản 5, điều 7, chương I Luật Đê điều, nếu xét theo vi phạm trên thì việc lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000đ đến 20.000.000đ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, biên bản xử phạt về việc lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều đối với khu sơ chế hải sản của bà Nguyễn Thị Năm vẫn chưa có, phải chăng đã có sự “nhẹ tay” của các cơ quan chức năng đối với hành vi vi phạm Luật đê điều nêu trên.
 

Phần vi phạm chỉ mới tháo dỡ mái tôn.
Phần vi phạm chỉ mới tháo dỡ mái tôn.

Trước đó, ngày 11/06/2018, UBND huyện Hậu Lộc đã có Công văn số 483/UBND-NN gửi UBND xã Đa Lộc về việc giải tỏa vi phạm Luật Đê điều tại K27+800 đê Hữu sông Lèn xã Đa Lộc của Hội doanh nghiệp nữ Hậu Lộc. Trong công văn, nêu rõ: Chủ tịch UBND xã Đa Lộc nghiêm túc chỉ đạo việc giải tỏa vi phạm xây dựng nhà bảo vệ và dựng lán khu sơ chế hải sản trong hành lang bảo vệ đê đối với Hội doanh nghiệp nữ Hậu Lộc thời gian hoàn thành xong trước ngày 15/06/2018. Sau thời gian trên vi phạm nếu không được tháo dỡ thì UBND huyện sẽ xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Đa Lộc.

Tiếp đến, ngày 09/8/2018, UBND huyện Hậu Lộc có Công văn số 100/TB-UBND về việc thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại Hội nghị xử lý vi phạm Luật Đê điều tại K27+800 đê Hữu sông Lèn xã Đa Lộc, nêu rõ: Đối với hộ bà Nguyễn Thị Năm, thuê đất xây dựng cơ sở thu mua và chế thủy sản tại xã Đa Lộc, phải thực hiện tháo dỡ, giải tỏa vi phạm xây dựng nhà bảo vệ và khu chế biến hải sản trong hành lang bảo vệ đê điều trước ngày 15/08/2018; nếu không tháo dỡ xong trước ngày 15/08 thì UBND huyện Hậu Lộc sẽ xem xét thu hồi lại diện tích 3.570m², đồng thời xem xét trách nhiệm của đồng chí Chủ tịch UBND xã Đa Lộc.
 

Thông báo của UBND huyện yêu cầu hộ bà Nguyễn Thị Năm phải tiến hành tháo dỡ hạng mục vi phạm trước ngày 15/08.
Thông báo của UBND huyện yêu cầu hộ bà Nguyễn Thị Năm phải tiến hành tháo dỡ hạng mục vi phạm trước ngày 15/08.

Ngày 10/8, PV đã mục sở thị tại khu sơ chế hải sản của Hội doanh nghiệp nữ Hậu Lộc, tại đây nha bảo vệ và phần lấn chiếm hành lang đê mới chỉ tháo dỡ phần mái tôn, hiện tại lúc đó không có công nhân hay máy móc tiến hành tháo dỡ. Mặc dù đang trong thời gian tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng tại đây hoạt động sơ chế hải sản của hàng chục công nhân và thiết bị máy móc vẫn hoạt động bình thường.

Ông Vũ Khắc Cần – Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu Lộc, cho biết: Sau khi Sở Nông nghiệp và PTNT có công văn gửi UBND huyện Hậu Lộc về việc kiên quyết xử lý dứt điểm hành vi vi phạm Luật Đê điều của Hội doanh nghiệp nữ Hậu Lộc, thì chúng tôi đã tiến hành xuống kiểm tra lập biên bản, đồng thời giao cho UBND xã Đa Lộc nghiêm túc kiểm tra việc tháo dỡ công trình vi phạm trước ngày 15/08.

Như vậy, khu sơ chế hải sản của bà Nguyễn Thị Năm vi phạm hành lang bảo vệ đê điều là rõ ràng và đã nhiều lần các ban nghành chức năng lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao lại không có quyết định xử phạt vi phạm theo Khoản 5, điều 7, chương I Luật Đê điều? Nếu trước ngày 15/08, hạng mục vi phạm Luật Đê điều vẫn không được tháo dỡ, đề nghị UBND huyện Hậu Lộc cần xem xét việc thu hồi diện tích 3.570m² cho thuê đôi với bà Nguyễn Thị Năm, đồng thời xem xét, làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Đa Lộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài Thanh Hóa: Ai “bật đèn xanh” cho công trình xây dựng lấn chiếm hành lang đê?: Nhắc nhở nhiều lần nhưng không xử phạt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO