Tiếng dân

Tiếp bài hơn 170 ha lúa chết bất thường ở Thái Bình: Kinh phí cải tạo đất có khác “muối bỏ biển”?

Phạm Thiệu 28/09/2023 - 16:31

(TN&MT) – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình vẫn khẳng định nguyên nhân lúa chết là do đất bị tái mặn vì thời tiết cực đoan và người dân trồng giống lúa không phù hợp. Tuy nhiên Sở này cho biết đã tham mưu UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt phương án và dự toán kinh phí để cải tạo đất.

Chi hơn 2,5 tỷ đồng để cải tạo đất

Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh hơn 170 ha lúa chết bất thường tại huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình đã có Công văn số 2049 gửi Báo, kèm theo báo cáo về việc trả lời phản ánh của dư luận nhân dân về nguyên nhân hơn 100 ha lúa của người dân 5 thôn tại xã An Tân, huyện Thái Thụy chết không rõ nguyên nhân; Quyết định số 1788/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án và dự toán kinh phí thực hiện cải tại nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước tại xã An Tân và Hồng Dũng, kinh phí dự kiến hơn 2,5 tỷ đồng.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình vẫn khẳng định nguyên nhân khiến lúa chết bất thường ở xã An Tân là do thời tiết cực đoan gây ra hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn dẫn đến tái mặn ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của lúa. Kèm theo đó là người dân sử dụng các giống lúa không phù hợp với vùng đất nhiễm mặn nên lúa phát triển kém.

lua-chet-1.jpg
Không chỉ lúa mà rau màu của người dân cũng bị thiệt hại nặng nề (ảnh chụp ruộng dưa không thể sinh trưởng vào tháng 6/2023)

Quyết định số 1788/QĐ-UBND ngày 10/8/2023 của tỉnh Thái Bình phê duyệt phương án và dự toán kinh phí thực hiện cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước tại xã An Tân và Hồng Dũng cho thấy, tổng diện tích đất phải cải tạo tại xã An Tân là 172 ha và xã Hồng Dũng là 35 ha. Biện pháp thực hiện là tập trung vào việc hỗ trợ kinh phí để mua phân bón loại phân hữu cơ vi sinh. Định mức hỗ trợ là 1540 kg/ha. Tổng diện tích trồng lúa được hỗ trợ là 207 ha. Dự toán kinh phí thực hiện hơn 2,5 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ vụ Mùa năm 2023.

Theo kết quả phân tích mẫu nước lần 2 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình ngày 31/7/2023 cho thấy độ mặn và chỉ số clorua (Cl-) tại xã An Tân vẫn cao bất thường. Cụ thể, độ mặn cao nhất đo được tại ruộng hộ bà Phạm Thị Hợi, thôn Tân Dũng (hộ có lúa chết) là 2,47 ‰ (cao gấp hơn 4 lần so với tiêu chuẩn độ mặn ≤ 0,6‰ mà Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình đưa ra). Chỉ số clorua trong mẫu nước lấy tại đây đạt hơn 1347 mg/l (cao gấp gần 4 lần so với quy chuẩn quy định tại QCVN 08-MT: 2015/BTNMT, cột B1).

mau-dat.jpg
Kết quả phân tích mẫu nước lần 2 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho thấy độ mặn vẫn rất cao (ô khoanh vàng được lấy tại hộ bà Phạm Thị Hợi, thôn Tân Dũng)

Giống lúa miền Bắc không chịu được

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi nhận định về mức độ nhiễm mặn tại xã An Tân, huyện Thái Thụy.

Ông Hùng cho biết: “Hiện nay tiêu chí về độ mặn không được quy định cụ thể tại một văn bản pháp quy nào. Mỗi một khu vực và mỗi loại cây trồng lại có tiêu chuẩn lấy nước có độ mặn khác nhau. Thông thường ở khu vực miền Bắc, nếu độ mặn trong nước đạt ngưỡng 1‰ (một phần nghìn) thì người ta sẽ không lấy vì độ mặn này có hại cho cây lúa nói riêng và cây trồng nói chung. Thông số độ mặn hơn 4‰ mà phóng viên cung cấp nếu là thực, tôi cho rằng những giống lúa ở miền Bắc sẽ không thể chịu được”.

mau-dat(1).jpg
Kết quả phân tích mẫu đất lần 2 của Sở Tài nguyên và Môi trường không thể hiện thông số độ mặn của đất. Các thông số khác đều trong giới hạn cho phép

Đánh giá về chỉ số clorua có trong nước, một chuyên gia (đề nghị giấu tên) cho biết: “Chỉ số clorua tối đa cho phép trong nước là 350 mg/l. Theo kết quả phân tích mẫu nước mà phóng viên cung cấp (kết quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình ngày 7/6/2023) thì thấy tất cả các mẫu đều bị mặn. Mẫu M3 (2481 mg/l, lấy tại sông Chung Thủy Nông, thôn Tân Dũng) có chỉ số như nước biển. Tất cả các mẫu nước còn lại tại xã An Tân đều có chỉ số clorua quá cao, tức là độ mặn quá lớn”.

Đáng nói là, tài liệu mà phóng viên có được liên quan tới kết quả phân tích mẫu đất ở xã An Tân của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình lại không có thông số thể hiện độ mặn của đất. Các thông số khác như Pb (chì), Cu (đồng), Zn (kẽm) đều nằm trong giới hạn cho phép. Vậy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình khẳng định đất tại xã An Tân bị tái mặn do thời tiết cực đoan liệu đã thuyết phục được công luận?

Trong khi đó, ông Mai Nhân Duẩn, người dân thôn Tân An chia sẻ: "Hơn 60 năm làm nông nghiệp ở đây, trải qua bao lần cải tạo đất từ trồng đay, trồng cói sang trồng lúa như hiện giờ, tôi chưa gặp hiện tượng lúa chết hàng loạt như thế này. Nếu nói do thời tiết cực đoan dẫn đến đất bị tái nhiễm mặn thì mấy chục năm qua, chẳng lẽ không có năm nào thời tiết cực đoan như năm nay hay sao? Năm nào chúng tôi cũng trồng cùng một loại cây, mùa nào trồng loại cây đó và cây vẫn sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Vậy tại sao từ vụ Đông năm 2022 và vụ Mùa năm 2023, cây trồng chết hàng loạt? Tôi đề nghị cơ quan chức năng nghiêm túc kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân để người dân chúng tôi yên tâm canh tác".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài hơn 170 ha lúa chết bất thường ở Thái Bình: Kinh phí cải tạo đất có khác “muối bỏ biển”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO