Tiếp bài "Đình Lập – Lạng Sơn: Rừng Lim tự nhiên đang bị “khai tử”: Liệu có hòa cả làng?

Doãn Xuân| 31/07/2020 22:32

(TN&MT) - Rừng Lim xanh bị phá diện rộng, hàng chục cây Lim đã ngã xuống, đặc biệt hơn rừng lại do UBND xã Đồng Thắng quản lý, nhưng chính quyền lại không hề biết “thủ phạm” phá rừng Lim là ai?. Liệu vụ việc phá rừng Lim có “hòa cả làng”?

Chủ tịch huyện phải là người chịu trách nhiệm chính!

Ngay sau khi Báo TN&MT đăng bài liên quan tới “lâm tặc” khai thác rừng Lim tại xã Đồng Thắng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, bước đầu đã có kết quả, xong người chịu trách nhiệm chính khi để “lâm tặc” phá nát rừng Lim  thì trong Báo cáo không hề nhắc tới.

Rừng Lim bị phá nhưng chính quyền vẫn không tìm được đối tượng phá rừng

Ngày 29/7/2020, ngay sau khi Phóng viên Báo TN&MT đăng ký làm việc với UBND huyện Đình Lập liên quan vụ việc rừng Lim tại thôn Nà Xoong, xã Đồng Thắng bị “lâm tặc” phá nát, ông Hoàng Văn Vương, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện đã ghi nhận và sẽ cho người kiểm tra. Sau đó, phóng viên đã tới Hạt kiểm lâm Đình Lập để làm việc, ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng đã thừa nhận chưa nhận được thông tin rừng Lim bị phá, kiểm lâm viên phụ trách Trần Thanh Toàn cũng chưa hề báo cáo.

Vậy tại Văn bản số 921/UBND ngày 29/7/2020 do ông Hoàng Thanh Đạm – Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập ký có ghi: Qua nắm thông tin từ cơ sở phát hiện hiện tượng khai thác rừng trái phép tại thôn Nà Xoong, xã Đồng Thắng, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương phối hợp thực hiện. Vậy "thông tin cơ sở" ở đây có thể hiểu là người dân sở tại báo tin? Không! Thông tin rừng Lim bị phá ở Đồng Thắng hoàn toàn do phóng viên Báo TN&MT phát hiện và báo cho huyện để phối hợp ngăn chặn.

Khối lượng gỗ bị chặt hạ lớn, nhưng trong báo cáo Hạt kiểm Lâm Đình Lập chỉ đưa con số nhỏ giọt

Trong khi đó, tại Báo cáo số 158/BC-KL ngày 31/7/2020 về kết quả kiểm tra xử lý việc khai thác rừng trái phép tại thôn Nà Xoong, xã Đồng Thắng, phần trách nhiệm liên quan Báo cáo chỉ ghi: Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng có trách nhiệm quản lý diện tích rừng chưa giao theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; Trách nhiệm phát hiện để tham mưu của kiểm lâm địa bàn chưa kịp thời; Tổ đội quần chúng bảo vệ rừng của thôn không phát hiện ra vụ khai thác.

Phần giải pháp thời gian tới ghi: Tiếp tục truy tìm đối tượng khai thác rừng trái phép để xử lý theo quy định; Tổ chức kiểm điểm đối với kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Đồng Thắng; Tham mưu cho UBND huyện làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã trong công tác quản lý bảo vệ rừng khi để xảy ra khai thác rừng trái phép; Tịch thu toàn bộ số gỗ khai thác trái phép để xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, theo luật để xảy ra mất rừng, nhất là thực vật quý hiếm như Lim xanh thuộc danh mục nhóm II cấm khai thác, khối lượng gỗ Lim bị khai thác lớn, nên chiếu theo quy định trách nhiệm đứng đầu thuộc về Chủ tịch UBND huyện, sau đó là trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng, Hạt trưởng kiểm lâm Đình Lập…

Số liệu có vênh với thực tế?

Báo cáo số 158/BC-KL về kết quả kiểm tra xử lý việc khai thác rừng trái phép tại thôn Nà Xoong, xã Đồng Thắng có ghi: Tại lô 15, khoảng 3, Tiểu khu 2c, thôn Nà Xoong có 15 cây gỗ Lim xanh đã bị chặt hạ và đẽo vỏ đường kính từ 18 – 27cm, dài từ 3,2 – 4,8m, khối lượng 2,2m3. Tuy nhiên, số lượng cây gỗ Lim xanh do phóng viên kiểm đếm là 25 cây gỗ Lim tròn, đường kính lớn hơn số liệu mà đoàn kiểm tra đã báo cáo ở trên.

Nhiều cây gỗ Lim có đường kính như thế này nhưng trong Báo cáo đoàn kiểm tra chỉ đưa vào con số 27cm

Có 179 thanh gỗ dài từ 0,35 – 0,7m, rộng từ 0,09 – 0,18m loại con tiện cầu thang, với khối lượng là 1,37m3. Tổng Cộng 3,57m3, tất cả số gỗ trên nằm rải rác dọc chân và sườn đồi. Kết luận đây là hành vi khai thác rừng trái phép.

Trên thực tế số lượng khối gỗ Lim bị chặt phá còn cao hơn nhiều, Hạt kiểm lâm Đình Lập và các cơ quan chức năng còn “quên” nhiều điểm phá rừng Lim chưa đưa vào báo cáo, hoặc không đưa đúng số lượng gỗ Lim bị chặt phá vào báo cáo, đề nghị UBND huyện Đình Lập và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lạng Sơn vào cuộc xác minh làm rõ, nếu phát hiện có gian dối liên quan số liệu trên đề nghị xử lý nghiêm theo quy định.

Với cách quản lý buông lỏng như hiện nay, liệu rừng Lim ở Đình Lập sẽ còn tồn tại được bao lâu?

Ngoài ra, điều vô lý là diện tích rừng Lim trên huyện giao cho xã Đồng Thắng quản lý, nhưng khi rừng bị chặt phá thì đoàn kiểm tra cũng như Kiểm lâm, Công an huyện Đình Lập lại không biết đối tượng chặt phá rừng là ai. Ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng kiểm lâm Đình Lập cho biết: Rừng là do xã quản lý, nhưng đối tượng chặt phá rừng thì cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được đối tượng, chúng tôi vẫn đang phối hợp cùng Công an để mở rộng điều tra. Mong phóng viên bỏ quá cho, chúng tôi sẽ xử lý cán bộ cấp dưới khi để xảy ra mất rừng.

Vậy là rừng Lim quý hiếm do xã Đồng Thắng quản lý, “lâm tặc” vào rừng chặt phá nhưng xã không hay biết. Vậy "thủ phạm" phá rừng Lim là ai? Nếu không tìm được đối tượng chặt phá rừng Lim thì mọi việc có được cho “hòa cả làng”?!

Báo điện tử TN&MT sẽ thông tin tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài "Đình Lập – Lạng Sơn: Rừng Lim tự nhiên đang bị “khai tử”: Liệu có hòa cả làng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO