Xã hội

Tiên Du (Bắc Ninh): Đa dạng hóa sinh kế để thoát nghèo bền vững

Việt Anh 08/04/2024 - 10:54

(TN&MT) - Thời gian qua, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh. Thành quả ấy đến từ những chủ trương, cách làm đa dạng gắn với thực tiễn xây dựng Nông thôn mới, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân cùng chung tay hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững…

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiên Du cho biết, những năm qua, xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài, huyện Tiên Du luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp, nỗ lực kéo giảm số hộ nghèo như: Chính sách vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ giáo dục đào tạo; trợ giúp pháp lý, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở…

Bên cạnh triển khai đầy đủ các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, huyện chủ động huy động các nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi để hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Theo kết quả rà soát mới nhất, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1,49%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,73% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025…”.

tien-du-sau-20-nam-thuc-hien-1-1-.jpg
Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tại xã Tân Chi

Hàng năm, trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo, các địa phương tập trung phân tích nguyên nhân và các chiều thiếu hụt của hộ nghèo để đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Nhận thấy nguyên nhân thiếu vốn sản xuất chiếm tỷ lệ cao, huyện tập trung trợ giúp người nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội được quản lý, phân bổ, hướng dẫn sử dụng hợp lý, đúng đối tượng thông qua các tổ, nhóm tiết kiệm do các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội chịu trách nhiệm như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…để tạo lập nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu là cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm, đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Tiên Du đã triển khai cho vay đối với 14 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt hơn 375 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn ưu đãi này, đã giúp cho hơn 62 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, giúp gần 12 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho 4.153 lao động từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, giúp hơn 7 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn.

Đồng thời, từ nguồn vốn ưu đãi còn giúp xây dựng hơn 56 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây được 45 căn nhà ở xã hội và 348 căn nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ 2 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 524 lượt lao động, 3 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được vay vốn, 70 học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến... trong bối cảnh dịch COVID-19…

Song song với đó, huyện chú trọng mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề giúp người dân nói chung và người nghèo nói riêng được bổ sung kiến thức, kỹ năng sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi. Từ năm 2016-2021, thông qua các hội đoàn thể, toàn huyện có hơn 15 nghìn lượt người được tập huấn khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Các giải pháp tạo việc làm được đẩy mạnh thông qua các chính sách phát triển kinh tế, khuyến khích đầu tư, các mô hình làm ăn có hiệu quả mở rộng quy mô, tăng cường hoạt động trao đổi kinh nghiệp sản xuất, kinh doanh… Trung bình mỗi năm, huyện Tiên Du giải quyết việc làm mới cho gần 8 nghìn lao động.

tien-du-nhin-lai-mot-nhiem-ky-dai-hoi-1-2-.jpg
Những đổi thay từ việc thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều

Cùng với phát triển sinh kế, tạo việc làm, để thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng đa chiều có hiệu quả, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Đến nay, 100% hộ nghèo, cận nghèo đều được hỗ trợ kinh phí mua BHYT. Hệ thống đường giao thông được bê tông hóa; hệ thống trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia giúp người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội. Chung tay cùng các cấp chính quyền, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” tạo được sức lan toả, nhân lên tinh thần tương thân tương ái trong từng cộng đồng dân cư.

Động lực giảm nghèo phải xuất phát từ người dân

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiên Du, thành quả lớn nhất trong công tác giảm nghèo của huyện thời gian qua đã khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân. Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả tiếp tục trở thành hạt nhân trong công tác giảm nghèo tại địa phương… Đây là cơ sở để giai đoạn tới, huyện Tiên Du tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn bằng cách: Tạo các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cũng như tạo nhiều cơ hội cho người lao động tiếp cận với các nhà tuyển dụng ưu tiên hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các gia đình chính sách, đối tượng người nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.

image002-12-.jpg
Huyện Tiên Du chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng mô hình sản xuất cho bà con

Cùng với đó, lãnh đạo huyện tiếp tục chú trọng nâng cao thực chất đời sống người dân, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng Nông thôn mới và đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiên Du (Bắc Ninh): Đa dạng hóa sinh kế để thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO