Tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ mở thêm cơ hội tiếp cận đất đai

Trường Giang (thực hiện)| 11/10/2022 06:31

(TN&MT) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp, trong đó có các quy định về tích tụ, tập trung đất đai. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Bồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính để rõ hơn vấn đề này.

PV: Theo ông, đâu là bất cập ảnh hưởng tới việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp thời gian qua?

Ông Nguyễn Đình Bồng:

Theo tôi, trong thực hiện tích tụ, tập trung đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay đã xuất hiện một số vấn đề bất cập.

Thứ nhất, hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay cho thấy: 90% đất sản xuất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân (HGĐCN) quản lý sử dụng, phương thức sản xuất phân tán quy mô nhỏ, hiệu quả thấp… còn phổ biến. Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn chưa đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ; Lao động nông nghiệp chiếm tới 34% lao động cả nước. Trong khi các tổ chức kinh tế chỉ quản lý sử dụng 10% đất sản xuất nông nghiệp, quy mô sản xuất còn nhỏ. Những hạn chế này là rào cản đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả ở nước ta hiện nay.

tr3-2.jpg
TS. Nguyễn Đình Bồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính

Thứ hai, điểm xuất phát của kinh tế nước ta là sản xuất nông nghiệp thuần nông tự cung tự cấp. Nông dân chiếm đa số trong tổng dân số cả nước, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội; nguồn gốc đất nông nghiệp của hộ gia đình được Nhà nước giao đất sản xuất ổn định lâu dài không thu tiền. Chính sách giao đất cho HGĐCN là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở nước ta trong 30 năm qua đã góp phần đưa Việt Nam trở thành nước cung cấp nông sản hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, việc thực hiện giao đất nông nghiệp bình quân theo nhân khẩu nông thôn (có tốt, có xấu, có gần, có xa, chết không thu hồi, sinh không giao thêm) đã dẫn đến tình trạng ruộng đất manh mún lâu dài, tuy từng bước khắc phục qua “dồn điển, đổi thửa”, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, nhưng đến nay, tình trạng phân tán, manh mún vẫn phổ biến.

Thứ ba, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp là một thị trường tiềm năng (với trên 10 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, 90% diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), nhưng chậm phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu cung cấp đất cho các chủ thể sử dụng đất nông nghiệp. Hiện tại, nguồn cung đất nông nghiệp trên thị trường phụ thuộc vào hoạt động của thị trường thứ cấp (giao dịch chuyển quyền sử dụng đất giữa các chủ thể sử dụng đất theo quy định của pháp luật). Tuy nhiên, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng.

Nguyên nhân của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển là do: Những quy định của Luật Đất đai về điều kiện chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong một số trường hợp (chuyển nhượng, cho thuê) còn chặt chẽ; hình thức cho thuê quyền sử dụng đất chưa phổ biến; thiếu quy định cho phép các chủ thể (HGĐCN) không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng có nhu cầu, năng lực đầu tư vào nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Quản lý đất nông nghiệp còn dựa vào quản lý cây trồng, vật nuôi cụ thể trên đất, không dựa theo đặc tính chất lượng từng loại đất, làm cho người sản xuất khó điều chỉnh sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Mặt khác, các thủ tục hành chính liên quan đến việc thực hiện “chuyển quyền sử dụng đất” chưa thực sự thông thoáng. Giá đất nông nghiệp chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng thường thấp hơn so với giá đất thị trường dẫn đến hộ gia đình nông dân không muốn chuyển nhượng, cho thuê, mặc dù sản xuất không hiệu quả, thậm chí có nơi còn để hoang. Ngoài ra, còn tồn tại tâm lý “giữ ruộng” (nguồn sinh kế) của người nông dân để phòng ngừa rủi ro, bất trắc, kể cả khi sản xuất không hiệu quả hoặc khi đã di cư khỏi nông thôn đến đô thị tham gia vào thị trường lao động phi nông nghiệp.

tr3-1.jpg

Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, sẽ tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư tiếp cận với đất đai.

PV: Ông đánh giá thế nào về những quy định mới liên quan tới việc tập trung, tích tụ đất đai của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?

Ông Nguyễn Đình Bồng:

Tôi cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng công phu, nghiêm túc đã thể chế hóa được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới đáp ứng yêu cầu. Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định mới có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp trong thời kỳ mới, trong đó có những điểm có tính đột phá như:

Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của HGĐCN, Luật Đất đai 2013 quy định, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của HGĐCN không quá 10 lần; Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định không quá 15 lần. Theo quy định này, diện tích đất trồng cây hằng năm của HGĐCN sử dụng tối đa lên tới 45ha, diện tích đất trồng cây lâu năm vùng đồng bằng là 150ha, vùng trung du miền núi là 450ha; diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất là 450ha. Quy định này đủ lớn để đáp ứng cho HGĐCN có khả năng, có nhu cầu mở rộng quy mô sử dụng đất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả.

Về đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng: “Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì được Nhà nước xem xét cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư”.

Về tích tụ và tập trung đất nông nghiệp: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể về nguyên tắc và phương thức tập trung, tích tụ đất nông nghiệp. Với những quy định mới về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp như vậy, sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập hiện tại; đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế trong nước (các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.

PV: Ông có những kiến nghị gì với cơ quan soạn thảo về những quy định trong Dự thảo Luật, thưa Tiến sĩ?

Ông Nguyễn Đình Bồng:

Tôi nhất trí với những quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt những quy định liên quan đến tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đã nêu trên. Tôi tin tưởng rằng, với những quy định mới này, khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, sẽ tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư tiếp cận với đất đai; khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà nước ta có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.

Tuy nhiên sản xuất hàng hóa nói chung, nông nghiệp nói riêng phụ thuộc vào các yếu tố: Đất đai - Lao động - Vốn. Vì vậy, tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đòi hỏi gắn chuyển dịch cơ cấu đất đai với chuyển đổi cơ cấu lao động khu vực nông thôn, nông nghiệp theo hướng công nghiệp, dịch vụ; đồng thời, huy động nguồn lực xã hội tăng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nông nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả.

Đó là những vấn đề trọng yếu đặt ra trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, khi Luật Đất đai mới được Quốc hội thông qua.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ mở thêm cơ hội tiếp cận đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO