Ngành duy nhất phát thải ròng bằng “0”
Hiện nay, lâm nghiệp là ngành duy nhất có phát thải ròng bằng “0” bởi khả năng hấp thụ CO2 khổng lồ, vượt xa lượng phát thải. Theo nghiên cứu của Viện Điều tra Quy hoạch rừng, giai đoạn 2010 - 2020, phát thải hằng năm trong lâm nghiệp là 30.5 triệu tấn CO2tđ và hấp thụ hằng năm đạt 69.8 triệu tấn CO2tđ. Tổng trữ lượng các-bon rừng lên tới 612 triệu tấn CO2tđ và 80% nằm ở khu vực rừng tự nhiên, 20% còn lại thuộc rừng trồng.
- Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Theo đó, việc chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh có 2 đối tượng:
- Đối tượng được chi trả: Chủ rừng theo quy định tại Điều 8 của Luật Lâm nghiệp 2017; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng là tổ chức; UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật.
- Đối tượng chi trả: Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện giảm phát thải theo quy định của Chính phủ; cá nhân và tổ chức đầu tư kinh doanh, sử dụng kết quả giảm phát thải hoặc tín chỉ các-bon rừng.
Trong lâm nghiệp, tín chỉ các-bon rừng đã được đưa vào là một loại dịch vụ môi trường rừng. Việt Nam đã thực hiện một số hoạt động trao đổi, chuyển đổi kết quả giảm phát thải cho các tổ chức trên thế giới, với giá khoảng là 5 - 10 USD/1 tấn CO2. Các hoạt động này đều đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và thông lệ quốc tế, góp phần phát triển nguồn thu tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.
Theo ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tại Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vừa diễn ra ở Ai Cập, Việt Nam với những cam kết chính trị và hợp tác quốc tế để giải quyết 1 trong 5 thách thức lớn nhất của toàn cầu, đó là nạn mất rừng và suy thoái rừng.
Cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Na Uy, Việt Nam đã tham gia “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow về rừng và sử dụng đất” tại COP26 và “Đối tác của các nhà lãnh đạo về rừng và khí hậu” tại COP27. Tuy nhiên, thách thức, khó khăn lớn nhất là việc huy động được nguồn lực tài chính ổn định, bền vững để thực hiện các cam kết tại COP26 và COP27. Thực tế, lâm nghiệp là ngành không những có vai trò đặc biệt quan trọng đóng góp để thực hiện các cam kết mà còn là nguồn tài chính rất có tiềm năng thông qua thương mại các-bon rừng.
Là một quốc gia có tỷ lệ che phủ rừng lớn trên thế giới, ngành lâm nghiệp Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước, đặc biệt là khi hơn 25 triệu dân Việt Nam đang sống phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi nguồn tài chính thiếu ổn định và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của ngành. Bởi vậy, bán tín chỉ rừng là giải pháp đa dạng hóa nguồn tài chính bền vững cho ngành lâm nghiệp, tạo nguồn thu bền vững cho người dân và góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Rào cản khai mở thị trường
Tiềm năng lớn là vậy nhưng theo bà Phạm Thu Thủy - Giám đốc chương trình Biến đổi khí hậu, Năng lượng tái tạo và Phát triển các-bon thấp toàn cầu, Tổ chức Cifor, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp lo ngại là việc chưa có hành lang pháp lý. Từ sau COP26 và COP27 có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam với mong muốn đầu tư vào thị trường các-bon. Trong quá trình đó, doanh nghiệp cần một bên điều phối tốt từ phía cơ quan của Chính phủ để hướng dẫn vì thị trường các-bon có rất nhiều ngành nghề như: Lâm nghiệp, năng lượng, chăn nuôi, thú y...
Ông Nguyễn Văn Minh - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, theo lộ trình phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, từ nay đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon và thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng. Từ năm 2028 trở đi sẽ tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ các-bon chính thức.
Tuy nhiên, đây là thị trường bắt buộc theo các quy định quốc gia và quốc tế, còn với thị trường tự nguyện giữa các tổ chức quốc tế đang rất sôi động hiện nay, Việt Nam lại chưa có quy định cụ thể về hệ thống đăng ký về "quyền các-bon" hay danh sách các cơ sở, dự án về các-bon để các doanh nghiệp tìm đến.
Ông Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) cho rằng, các chương trình thương mại các-bon trong lâm nghiệp hiện nay là các chương trình hỗ trợ có điều kiện. Để có lợi ích về lâu dài và bền vững, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy thương mại các-bon trong lâm nghiệp đối với thị trường các-bon trong nước và quốc tế, đặc biệt giai đoạn đến 2027 trước khi có thị trường các-bon trong nước. Trong đó, quan trọng là cần xây dựng các tiêu chuẩn các-bon cho các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ các-bon, xây dựng năng lực về xây dựng dự án thương mại các-bon và thực hiện kiểm đếm hiệu quả một cách minh bạch.