Thực hiện mục tiêu bảo tồn đầy tham vọng
(TN&MT) - Sau hơn 1 năm tham gia Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng.
Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học diễn ra vào tháng 12/2022 tại Montreal (Canada), đã đề ra nhiều mục tiêu tham vọng đối với hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới. Đồng thời, GBF cũng tạo ra một khuôn khổ hành động quy mô toàn cầu, mang tính tổng thể, với cách tiếp cận toàn diện, giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.
GBF tác động đến Việt Nam
Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT cho biết, GBF có tác động rất lớn đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tất cả các nước thành viên tham gia Công ước Đa dạng sinh học, trong đó có Việt Nam.
Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal đã xác định 23 mục tiêu cần đạt được đến năm 2030, với những chỉ tiêu hết sức tham vọng, đòi hỏi các quốc gia trên thế giới cần có hành động quyết liệt, thậm chí, những chuyển đổi căn bản để giảm tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học. Bên cạnh những nỗ lực của các quốc gia, việc tạo ra các cơ chế hỗ trợ về nguồn lực cho các nước đang và kém phát triển, bao gồm cả cơ chế tài chính, chuyển giao khoa học - công nghệ và tri thức để hỗ trợ các hành động bảo tồn là hết sức quan trọng.
Từ đặt ra mục tiêu chung về đa dạng sinh học toàn cầu, GBF tạo cơ chế để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đó. Dựa trên những cơ chế này, Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong quá trình hợp tác với các quốc gia, tổ chức trên thế giới. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Thách thức không nhỏ
Mục tiêu tham vọng được định lượng rõ nét nhất của GBF là 30x30. Theo đó, đến năm 2030, ít nhất 30% diện tích các hệ sinh thái trên cạn, nước nội địa, ven biển và biển bị suy thoái; ít nhất 30% diện tích đất liền, nước nội địa, vùng biển và ven biển được bảo tồn và quản lý hiệu quả...
Trong khi đó, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam mới đạt mục tiêu bảo tồn được khoảng 7% các vùng, khu bảo tồn trên cạn, và sẽ tăng lên 9% đến năm 2030. Với bảo tồn vùng ven biển và vùng biển, Việt Nam đặt mục tiêu bảo tồn 3 - 5% diện tích vùng ven và vùng biển. So với 30x30, những con số này vẫn còn rất khiêm tốn.
"Tất nhiên, mục tiêu mà quốc tế đưa ra không mang tính bắt buộc với toàn bộ các quốc gia thành viên. Dù vậy, khi tham gia vào Công ước, Việt Nam sẽ cần nỗ lực tối đa trong điều kiện để đóng góp tốt nhất cho mục tiêu này, nhằm đạt được yêu cầu chung trên phạm vi toàn cầu", bà Hoàng Thị Thanh Nhàn chia sẻ.
Triển khai hành động cụ thể
Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, như đã đề cập, rất toàn diện và đưa ra những mục tiêu tham vọng. Cách tiếp cận này sẽ góp phần định hướng cho Việt Nam và các quốc gia trong các vấn đề liên quan đến đa đạng sinh học.
Đối với Việt Nam, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, thời gian qua, với vai trò là cơ quan đầu mối đối với Công ước Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời nghiên cứu, cụ thể hóa các hành động thực hiện GBF ở cấp quốc gia.
Riêng đối với mục tiêu 30x30 của GBF, Việt Nam đã có một hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên được thiết lập với mục tiêu được đề ra, theo quy hoạch và chiến lược là 9% diện tích khu bảo tồn trên cạn, 3 - 5% diện tích vùng ven biển. Ngoài việc thúc đẩy mở rộng diện tích các khu bảo tồn theo mục tiêu 30x30, Việt Nam cũng hướng tới áp dụng các biện pháp bảo tồn hiệu quả ngoài khu vực bảo vệ, bảo tồn (OECM) bằng cách lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong các sinh cảnh sản xuất, sinh cảnh ngoài khu vực bảo tồn.
Để làm được việc này, Việt Nam cần tạo ra những cơ chế chính sách và triển khai thực hiện các mô hình bảo tồn. Sáng kiến này sẽ gắn bảo tồn với phát triển. Trong phát triển có bảo tồn, quan tâm đến vấn đề đa dạng sinh học để giúp quản lý hiệu quả hệ sinh thái, bảo đảm tính bền vững, duy trì cung cấp dịch vụ sinh thái cho phát triển và hoạt động phát triển.
Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) tập trung vào việc giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học ở cả 3 cấp độ: hệ sinh thái, loài, nguồn gen. Khung đa dạng sinh học có 23 mục tiêu toàn cầu định hướng hành động cho hành động khẩn cấp trong thập kỷ đến năm 2030, được chia thành 3 nhóm vấn đề: Giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học; Đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua sử dụng bền vững và chia sẻ lợi ích; Các công cụ, giải pháp thực hiện và lồng ghép.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang triển khai nhiều hành động khác để đảm bảo mục tiêu đa dạng sinh học như cam kết trong GBF, bao gồm hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, xác định các đối tượng cần phải ưu tiên bảo vệ, bảo tồn từ nay tới 2030; Vấn đề về bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ; Kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; Xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc đa dạng sinh học...
Việt Nam cũng quan tâm tới xây dựng năng lực cho cán bộ; nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học; khởi xướng những vấn đề liên quan đến lồng ghép đa dạng sinh học trong các ngành, lĩnh vực, bao gồm gắn bảo đồn đa dạng sinh học với du lịch dựa vào thiên nhiên; hoặc những dự án, nhiệm vụ áp dụng các sáng kiến giải pháp dựa vào thiên nhiên vừa bảo tồn đa dạng sinh học, vừa thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu; tiếp cận dựa vào hệ sinh thái...