Năm mươi năm đã qua đi. Vậy mà, tôi không sao quên được 9 giờ, ngày 9/9/1969. Thời khắc ấy, tôi vừa bước chân lên phà Bến Gót, Việt Trì qua sông Lô sang Bến Hạc để về thôn Lạc Trung, xã Bình Dương ghi nỗi niềm của Anh hùng lâm nghiệp Nguyễn Văn Tần (cán bộ miền Nam tập kết) với Bác Hồ kính yêu khi Người về với thế giới người hiền. Đúng lúc ấy, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi qua sóng phát thanh, âm vang trên những chiếc loa ở đôi bờ bến sông. Không cầm được nước mắt, không kìm nổi tiếng nấc bởi giọng nghẹn ngào của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ Nhất đọc Di chúc của Bác và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa. Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!...”. Tôi bật khóc. Mọi người òa khóc!...
Ngày tháng đau thương xé lòng ấy dần qua đi, nhưng lời Di chúc của Bác và 5 lời thề trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ ấy cứ thấm đẫm trong tôi từng câu, từng chữ về tình cảm của Người với non sông đất nước, với Đảng, với dân: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta” (Di chúc của Bác). Lời Người chắt ra từ tâm khảm, từ vô vàn niềm tin yêu với chúng ta và các thế hệ mai sau: “Đoàn kết là một truyền thống...!”. Người nhắc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các Chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (Di chúc của Bác). Đó là tư tưởng, là đạo đức, là văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc lịch sử - Tiếng lòng của Người thêm lần khắc họa: Bác của chúng ta là người Việt Nam đẹp nhất. Người luôn lấy con người làm trung tâm của mọi tư duy, làm chủ đích cho mọi hành động. Chân lý hiển nhiên với Người, vì con người luôn là nhân tố quyết định mọi thành bại của cách mạng.
Trong bài nói chuyện tại trường Đại học Nhân dân (ngày 8/12/1956), Người mượn câu mở đầu trong Tam tự kinh “Nhân tri sơ, tính bản thiện” làm tiêu đề cho bài nói, rằng: “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân! Bản thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”! Xuất phát từ quan điểm ấy, nên Người luôn dạy phương pháp làm việc cho cán bộ, đảng viên phải hết lòng vì dân.
Trong thư gửi các kỳ, tỉnh, huyện, làng ngày 17/10/1945, Người viết: “Nếu nước độc lập mà người dân không hạnh phúc tự do, độc lập cũng chẳng ý nghĩa gì. Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của nhân dân”... Người định ra phương cách làm việc rất rõ ràng cho cán bộ: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”!...
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người nhấn mạnh: Cán bộ phải có 5 đức tính căn bản: “Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm”! Cán bộ, đảng viên phải mẫu mực, có tư cách, nêu cao tinh thần phê và tự phê. Phải luôn ý thức xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc!
Với những người làm báo là hội viên trong tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, Người dạy: “Đó là một tổ chức chính trị và nghề nghiệp. Nhiệm vụ của Hội Nhà báo là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghề nghiệp” (Đại hội II - Hội Nhà báo Việt Nam - 1959).
Quan điểm, tư tưởng, đạo đức nhất quán ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài, là chủ đề tư tưởng để khai thác, thể hiện trong tất cả các thể loại báo chí, các phương tiện thông tin, để góp sức cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Bởi lẽ hiển nhiên, như lời Điếu mà đồng chí Lê Duẩn đọc: “Người dạy: Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí...”! Trong toàn bộ Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh là vấn đề Người đặc biệt quan tâm suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.
Đoàn kết thống nhất trong Đảng là tư tưởng nổi bật nhất ở Người. “Đoàn kết làm ra sức mạnh! Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”! Trong đấu tranh cách mạng để giải phóng dân tộc, Người coi đoàn kết là chiến lược để tập hợp lực lượng. Đoàn kết là chính sách, là mục tiêu, là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Đoàn kết là nền tảng để liên minh công - nông - trí thức. Đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của Đảng để phụng sự Tổ quốc. Khi gặp gỡ đồng bào, chiến sĩ, Người nhắc cán bộ đảng viên “Đó không phải là đoàn kết hình thức, giả tạo. Nó phải thể hiện trong tư tưởng, hành động”.
Với nhân dân, Người căn dặn: “Dân ta phải nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!” Với tổ chức của Đảng, người chỉ rõ nguyên tắc đoàn kết để tạo ra sức mạnh, thì: “Phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ ý kiến của mình!” “Đảng viên phải nghiêm túc phê bình và tự phê bình. Đây là cách tốt nhất để phát triển và củng cố sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Đây cũng là quy luật phát triển Đảng” (Sách TTHCM-NXBCTQG) .
50 năm thực hiện Di chúc của Bác kính yêu và thực hiện Lời thề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước anh linh Người, các hội viên nhà báo và báo giới Việt Nam luôn luôn tuân theo sự lãnh đạo và định hướng tư tưởng của Đảng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp Cách mạng của dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong đó, đoàn kết thống nhất trên nền tảng đường lối, quan điểm của Đảng vì lợi ích dân tộc trở thành ý thức thường trực của các nhà báo, của các cơ quan báo chí. Nhận thức ấy đã thành tâm thức thường trực khi tác nghiệp, tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và quyết định loan tin của nhà báo.
Quán triệt quan điểm đoàn kết thống nhất của Người, báo chí luôn luôn nêu cao đạo đức của Đảng, xây dựng cái tốt đẹp của Đảng cho con người, cho xã hội; quyết liệt đấu tranh, phê phán căn bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí; cá nhân chủ nghĩa, xa dân... mà lúc sinh thời Người chỉ danh chỉ diện là “giặc nội xâm”! Báo chí luôn góp sức tuyên truyền để Đảng ta thực hiện đúng Di chúc của Người: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; phải xứng đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ trung thành của nhân dân”!
Ở thời hội nhập, hơn lúc nào hết, nội bộ báo giới càng phải đoàn kết chặt chẽ, thống nhất trên nguyên tắc của Đảng. Coi trọng phê và tự phê trên tình đồng chí, thương yêu, giáo dục, bồi dưỡng lòng nhân ái cho nhau. Giúp nhau học tập nắm vững quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng trong từng thời kỳ để nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin.
Cho nên, báo giới có thể hãnh diện thưa với anh linh Bác kính yêu, rằng: 50 năm qua, thực hiện Di chúc của Người, báo giới Việt Nam đã làm tròn bổn phận là cơ quan ngôn luận của Đảng, là phương tiện thông tin đại chúng hữu hiệu của Nhà nước, là diễn đàn tin cẩn của nhân dân!
Báo chí đã tinh tường hơn, dũng cảm hơn, mạnh mẽ hơn, sâu sắc, đa chiều, tương tác hơn trong chỉnh đốn xây dựng Đảng vững mạnh về năng lực. Thẳng thắn phê phán những cán bộ đảng viên hư hỏng, vi phạm pháp luật; cá nhân, cơ hội chủ nghĩa, mất đoàn kết nội bộ, thoái hóa, biến chất; cục bộ, địa phương, phe nhóm lợi ích, thiếu công tâm. Đoàn kết đảng viên, đặc biệt là cấp lãnh đạo luôn là gương đẹp lan tỏa ra cộng đồng dân cư, nên luôn được báo chí coi trọng. Để Đảng thân yêu của chúng ta luôn thực hiện tâm nguyện: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”!