Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu phát triển bền vững
(TN&MT) - Ngày 30/6, Trường Đại học Ngoại thương phối hợp cùng Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0” vì mục tiêu phát triển bền vững” nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, tại COP 26 vừa qua, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, điều này đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được nền kinh tế tăng trưởng xanh trong giai đoạn mới. Với chiến lược thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, trường Đại học Ngoại Thương đã tập trung xây dựng các chương trình nghiên cứu, đào tạo, tư vấn gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, trường đã tiên phong nghiên cứu các công trình khoa học nhằm ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường, với 2 mục tiêu hướng đến là kinh tế xanh và trách nhiệm xã hội; Đổi mới thể chế kinh tế xã hội hướng tới phát triển bền vững. Với 2 định hướng này, nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu trực tiếp đã được trường triển khai thực hiện trong thời gian qua, giúp nâng cao nhận thức, tư vấn các mô hình thực tiễn cho các địa phương, tổ chức doanh nghiệp, cộng đồng về tăng trưởng xanh, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Thông qua Hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi từ các nhà hoạt động chính sách, các nhà khoa học, các chuyên gia trong việc đưa ra những kết quả nghiên cứu, đề xuất chính sách để thực hiện được mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” năm 2050 của Việt Nam.
TS. Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội mong muốn, Hội thảo sẽ góp phần huy động được nhiều ý tưởng từ các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo cùng bàn thảo, đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (KNK), thích ứng với BĐKH. Trong cam kết của Việt Nam tại COP 26 về chuyển đổi năng lượng công bằng, phát thải cacbon thấp, phát thải ròng bằng “0”,... Từ đó góp phần xây dựng những chiến lược và chính sách phù hợp để nắm bắt thời cơ, cơ hội thúc đẩy, tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác đầu tư theo hướng bền vững.
TS.Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá cao Hội thảo Khoa học lần này bởi đã thu hút được sự quan tâm của giới khoa học, quản lý trẻ, giúp nâng cao nhận thức và tạo động lực trong việc phát triển kinh tế xanh. Việt Nam cũng cần tận dụng nhiều hơn các cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng; Các chương trình về chuyển đổi năng lượng công bằng được hỗ trợ về tài chính, ngân sách; Công nghệ về năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, từ đó có thể bắt nhịp được vào công cuộc chuyển đổi xanh; Việt Nam cần phối hợp về hợp tác quốc tế để khắc phục về nguồn lực tài chính, nguồn lực con người,… Khi Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội thì sẽ có khả năng đạt được mục tiêu đã cam kết trong giảm phát thải KNK bằng “0”, vươn lên là một nước phát triển.
Ông Nguyễn Thi - Bộ TN&MT đã trình bày tham luận về kinh tế tuần hoàn và các quy định thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường, trong đó Luật quy định tổng thể các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chính sách về quản lý chất thải rắn (CTR) và quy định mới đang được hiện hành là định giá thu gom, xử lý CTR sinh hoạt.
Để huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh theo kinh nghiệm Quốc tế và áp dụng tại Việt Nam, TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, hiện nay mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững không những gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, đa dạng sinh học mà còn bỏ qua công bằng xã hội và làm giảm cơ hội phát triển của thế hệ tương lai. Sau đại dịch Covid - 19, việc phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng phục hồi xanh đang là một xu hướng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Kinh nghiệm từ Liên minh Châu Âu (EU) dành khoảng 30% (891 tỷ USD) cho các dự án đầu tư thân thiện với khí hậu trong thập kỷ tới. Đầu tư năng lượng xanh cũng được chú ý hơn như ở Pháp, Ý, Anh; Phát triển giao thông vận tải bền vững như ở Úc, Áo, Pháp, Đức, Thuỵ Điển; Kinh tế số và kinh tế tuần hoàn được bắt đầu chú ý phát triển mạnh ở Trung Quốc.
Chính sách kinh tế xanh mới của Chính phủ Hàn Quốc vào năm 2020 đã cam kết dành khoảng 61 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2025 để nâng cao công suất tái tạo lên đến 42,7 GW vào năm 2025 so với 12,7 GW năm 2019, chuyển đổi các khu đô thị trở thành các thành phố xanh thông minh. Từ đó, Việt Nam có thể dựa vào kinh nghiệm Quốc tế để đánh giá lại các mô hình tăng trưởng kinh tế và tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đầu tư xanh hoá và thân thiện với môi trường.
Hội thảo đã nhận được rất nhiều các thảo luận, các ý kiến đóng góp và những tham luận trình bày của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ sở đào tạo, cơ sở quản lý trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh, hướng đến phát thải ròng bằng “0” vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới.