Thúc đẩy kinh tế chia sẻ, đáp ứng yêu cầu sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Tống Minh| 18/02/2020 14:15

(TN&MT) - Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khi chủ trì cuộc họp về dự án điều tra, đánh giá, đề xuất các quy định, xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong việc thực hiện các yêu cầu về sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, vào sáng ngày 18/2, tại Hà Nội.

Theo đại diện Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, “Kinh tế chia sẻ” là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ Internet.

Nội hàm chính của kinh tế chia sẻ là việc dùng chung tài sản hoặc dịch vụ giữa các cá nhân hoặc các nhóm nhằm mục tiêu sử dụng hiệu quả tài sản khi chủ sử dụng không dùng đến hoặc dùng không hết công suất, công năng của tài sản đó. Thường mô hình chia sẻ này được thực hiện thông qua công cụ Internet trong kỷ nguyên số và ứng dụng của nó trên các các thiết bị di động và các dịch vụ điện tử theo hình thức không trả tiền (trao đổi dịch vụ) hoặc có trả một khoản phí. Trong kinh tế chia sẻ, các hệ thống lưu thông nguồn lực cho phép người dùng có vai trò mang tính “hai mặt”-vừa là người cung cấp và cũng có thể là người nhận nguồn lực.

Nền kinh tế chia sẻ đang phát triển vì nó tái phân phối tài nguyên đang không được sử dụng hiệu quả (sản phẩm mua rồi nhưng không dùng, máy móc không được khai thác tối đa thời gian sử dụng) sang chỗ mà nó được dùng hiệu quả hơn. Giá trị lớn nhất của mô hình kinh doanh chia sẻ là tác động lên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, buộc thay đổi và cạnh tranh, tiết giảm chi phí và tận dụng tối đa các nguồn lực…

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT chia sẻ về "kinh tế chia sẻ"

“Ngày nay, kinh tế chia sẻ đã thực sự len lỏi vào tận văn phòng, bàn ăn, phương thức đi lại, … của mỗi công dân thời đại số. Với lĩnh vực thâm nhập ngày càng đa dạng, kinh tế chia sẻ không chỉ giúp cuộc sống cá nhân thêm tiện lợi, dễ dàng và thú vị, mà còn mở ra nhiều cơ hội tăng thu nhập”, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho hay.

Các mô hình kinh tế chia sẻ đã cho thấy được khả năng phục vụ cho sự phát triển của xu hướng phát triển bền vững nói chung trên toàn thế giới. Các cơ chế bán lại, cho thuê, đồng sở hữu, cho thuê hoặc cho vay ngắn hạn…tất cả đều đạt được giá trị lớn nhất là gia tăng được vòng đời sản phẩm. Sự chia sẻ quyền sở hữu ước tính có thể cắt giảm một phần tư các chi phí cá nhân và một phần ba cho các năng lượng phát thải cho sinh hoạt và sử dụng tài nguyên. Các tính toán được chỉ ra rằng, nếu các mô hình chia sẻ được thực hiện dưới các điều kiên thuận lợi, chi phí có thể tiết kiệm tới 7% và giảm lượng chất thải lên tới 20%.

Ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng cũng có tiềm năng lớn để phát triển. Do vậy, việc nghiên cứu đề xuất các quy định, xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong việc thực hiện các yêu cầu về sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường” là cần thiết nhằm xác định quyền và trách nhiệm của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; dự báo các xu hướng khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có những điều chỉnh quy định pháp luật cho phù hợp.

Toàn cảnh cuộc họp

Ghi nhận tính hữu ích của dự án này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, đây là mô hình kinh tế tư hữu mà công dụng, tính hiệu quả cao. Riêng đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cần tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy kinh tế chia sẻ trong sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

“Dự án hướng đến những đề xuất thiết thực để đưa vào trong sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản…và các quy định pháp luật khác. Nội dung của dự án cần được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, với mục tiêu chỉ ra được các cách tiếp cận phù hợp cho các mô hình kinh tế chia sẻ sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, giảm thiểu các nguy cơ về an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh môi trường, giảm thiểu các nguy cơ xung đột môi trường, đảm bảo công bằng và góp phần đưa đất nước đạt được các mục tiêu của phát triển bền vững đến năm 2030”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy kinh tế chia sẻ, đáp ứng yêu cầu sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO