Thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế

Quyết Thắng| 16/12/2021 05:55

(TN&MT) - Bên cạnh phát triển lực lượng doanh nghiệp, việc thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025. Điều này được TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương nhấn mạnh tại Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

TS. Trần Thị Hồng Minh nhận định, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2026 là sự tiếp nối Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả, tạo ra nhiều thay đổi trong mô hình tăng trưởng, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV cuối năm 2020, Quốc hội sau khi thảo luận đã quyết định kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế sẽ tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn mới, để kế thừa phát triển những thành tựu đã đạt được; cũng như giải quyết những thách thức bất cập của giai đoạn 2021-2025, đặc biệt khi Việt nam phải đương đầu với những khó khăn trong nội tại nền kinh tế; cũng như những khó khăn từ các cú sốc bên ngoài.

Theo bà Minh, về quan điểm chủ đạo, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm khác so với giai đoạn trước. Đáng chú ý, kế hoạch lần này đã thống nhất quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để đảm bảo ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều đột phá liên quan đến khoa học công nghệ.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương.

Bà Minh cho hay, ở góc độ cơ quan tham mưu, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương đã nhấn mạnh quan điểm Việt Nam cần phát triển nền kinh tế và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là một điểm hoàn toàn mới so với các văn bản trước khi góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh đối diện với đại dịch Covid-19.

Bà Minh cũng cho rằng, cần có sự kế thừa và phát triển những kết quả, thành tựu trong giai đoạn trước; đặc biệt là ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng tâm để tạo đột phá, lan truyền sang các lĩnh vực khác. Chính vì vậy, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cần ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề tạo ra đột phá, chuyển biến sang các ngành nghề khác.

Bên cạnh đó, điểm tương đối mới cần được chú trọng là nội dung phát huy giá trị dân tộc, giá trị văn hóa, lịch sử, ý chí của con người Việt Nam để thuận với sự phát triển trong nội bộ cũng như xu hướng phát triển trên thế giới. Đây là những nguồn vốn xã hội sẽ tạo ra những tác động to lớn như các nguồn vốn khác.

3 trụ cột đột phá của tái cơ cấu nền kinh tế

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, kế hoạch tái cơ cấu kinh tế lần này xác định thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là 3 trụ cột đột phá. Nếu trì hoãn hoặc chậm tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam sẽ rất khó để thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới, vượt qua bẫy thu nhập trung bình...

Bà Minh nhấn mạnh, bối cảnh thế giới và trong nước thay đổi sâu sắc sau dịch bệnh Covid-19 yêu cầu Việt Nam phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời, phải tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế lần này xác định thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là 3 trụ cột đột phá.

Ngoài ra, nước ta cần chú ý huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Việc huy động và sử dụng mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định. Song song với đó, sử dụng nguồn lực bên ngoài là yếu tố quan trọng.

Bên cạnh đó, cần chuyển đổi cơ cấu từ chiều rộng sang chiều sâu, từ thang giá trị thấp lên thang giá trị cao, thâm nhập thị trường khu vực và thế giới. Đặc biệt, cần ưu tiên ngành trong tương quan với khu vực và quốc tế, tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần đạt được sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế chủ lực, phải có sự chuyển biến thực chất rõ nét về mô hình tăng trưởng; sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp có sự phát triển và nâng cao sức chống chịu và thích ứng trước những diến biến phức tạp từ bên trong cũng như bên ngoài. Đặc biệt, cần hình thành rõ những cơ cấu hợp lý trong từng ngành từng lĩnh vực; cũng như có sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao...”, bà Minh nhấn mạnh.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch 2021-2021 là tạo ra khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển lực lượng doanh nghiệp. Bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ thể chế cho doanh nghiệp là hỗ trợ quan trọng nhất. Khi tạo ra thể chế đúng, thể chế thuận lợi sẽ tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển vươn lên trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO