Trong nước

Thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực

Khương Trung 30/11/2024 - 16:11

(TN&MT) - Cho ý kiến về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, có ý kiến đại biểu đề nghị, ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định cụ thể các biện pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực thông qua hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình học, trực tiếp tham gia hướng nghiệp, giảng dạy, hợp tác và tạo điều kiện cho sinh viên kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp.

Ngày 30/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

l2.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Mở rộng các ngành học liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng

Quan tâm đến chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị, cơ quan soạn thảo nên bổ sung chế độ ưu đãi đối với người hoạt động chuyên trách trong lĩnh vực công nghệ số.

Đại biểu cho biết, muốn thu hút nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, chuyên gia người nước ngoài có trình độ, kỹ năng, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định nhưng lại chỉ quy định ưu đãi thuế thu nhập cá nhân là chưa thỏa đáng, chưa tạo động lực thu hút nhân lực.

img-4771.jpg
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi khác về điều kiện sinh hoạt, điều kiện làm việc, nghiên cứu, học tập để nâng cao, bắt kịp với xu thế của lĩnh vực công nghiệp, công nghệ số.

Theo đó, cần “nghiên cứu quy định cụ thể các biện pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực, như hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình học, trực tiếp tham gia hướng nghiệp, giảng dạy, hợp tác và tạo điều kiện cho sinh viên kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp”, đại biểu nhấn mạnh.

Lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, phát triển nhân lực công nghệ số có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ số tại nước ta, ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, dự thảo Luật đã có các nhóm chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực công nghệ số tại Điều 25.

img-4772.jpg
ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, đại biểu đề xuất, bổ sung vào khoản 2, Điều 25 các chính sách khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp công nghiệp công nghệ số.

Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị, tiếp tục bổ sung một số nội dung quan trọng trong công tác giáo dục đào tạo, nâng cao kỹ năng của học sinh, sinh viên trong công nghệ số, như: mở rộng các ngành học liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng…

Đồng thời, phát triển chương trình đào tạo liên ngành kết hợp giữa công nghệ và các lĩnh vực khác như y tế, khoa học xã hội… nhằm nâng cao tính ứng dụng của công nghệ số. Chương trình đào tạo cần thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng mới bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số. Đưa công nghệ vào giảng dạy như học trực tuyến, phần mềm mô phỏng, thực tế ảo...

Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số. Theo đó, quy định cụ thể, đầy đủ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số.

Đồng thời nghiên cứu, quy định cụ thể tại dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định: Trường hợp nào thì tạm đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số. Trường hợp nào thì đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số. Trường hợp nào thì thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số và thời hạn tạm đình chỉ, thời hạn đình chỉ giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản số, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị, nên bổ sung danh mục các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong từng lĩnh vực. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý công nghệ, Bộ Tài chính quản lý thuế, Ngân hàng Nhà nước quản lý tài chính số.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số, nhằm khắc phục bất cập của pháp luật hiện hành, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội góp phần hình thành, phát triển kinh tế số, thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước và công dân…

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu cũng cho ý kiến thảo luận về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách phát triển công nghệ số, phân loại tài sản số, tiền số, dữ liệu số, nguồn nhân lực, phát triển doanh nghiệp công nghệ số… Các đại biểu cũng lưu ý về việc bảo vệ quyền riêng tư trong lĩnh vực số, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ số…

“Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu các ý kiến thảo luận tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét quyết định”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tiếp đó, Quốc hội họp riêng, xem xét việc thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO