Nhận thức rõ điều này, trong những năm qua, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đào tạo về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin địa không gian trong quản lý đất đai bền vững.
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) xoay quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, là một trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, trong thời gian qua, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện các nghiên cứu và hoạt động gì để thúc đẩy việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin địa không gian?
PGS.TS Trần Quốc Bình: Khoảng 10 năm nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã hòa nhập vào xu thế chung của thế giới về chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ hiện đại, trong đó, có công nghệ thông tin địa không gian. Trường đã mở ngành đào tạo Khoa học Thông tin Địa không gian được xã hội đón nhận.
Cùng với đó, Trường đã đổi mới và cập nhật nhiều chương trình đào tạo khác theo hướng tăng cường các môn học về công nghệ thông tin, công nghệ thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu trên nền tảng hệ thông tin địa lý, bay chụp không người lái, quét laser,... Sắp tới, Nhà trường dự kiến sẽ đưa thêm một số yếu tố của điện toán đám mây, dữ liệu lớn, học máy vào các chương trình đào tạo đại học và sau đại học có liên quan nhằm tăng cường kiến thức cho sinh viên.
Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường hoạt động thực hành, thực tập trên các phần mềm hiện đại, các trang thiết bị hiện đại, giúp cho sinh viên tiếp cận được công nghệ này ngay từ khi còn học trong Trường.
Về hoạt động nghiên cứu, Nhà trường đã triển khai một số đề tài dự án cấp Bộ, tỉnh, Quốc gia và các gói thầu dịch vụ tư vấn về xây dựng các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường, các hệ thống phân tích và xử lý dữ liệu. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các cán bộ của Khoa Địa lý đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch cấp tỉnh cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
PV: Xin ông cho biết, Trường đã có những kế hoạch gì để tăng cường hiểu biết của lãnh đạo, đội ngũ giảng viên và sinh viên trong trường, nhất là các khoa, ngành liên quan đến lĩnh đất đai và công nghệ thông tin, về vai trò của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin địa không gian?
PGS.TS Trần Quốc Bình: Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số của mình và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là một thành viên tích cực trong chiến lược đó.
Ngoài ra, thế mạnh của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là cơ sở đào tạo và nghiên cứu có thế mạnh cả về các khoa học Trái đất và khoa học dữ liệu, toán tin ứng dụng, internet vạn vật. Trường cũng đã được đầu tư 02 hệ thống tính toán hiệu năng cao để giải quyết các bài toán mô phỏng, xử lý dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Với đặc thù của lĩnh vực hoạt động là khoa học tự nhiên, nhu cầu về chuyển đổi số hay ứng dụng các công nghệ hiện đại đã xuất hiện từ lâu theo một cách rất tự nhiên trong Nhà trường. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư trên thế giới và ở Việt Nam, Nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để thúc đẩy nhận thức của xã hội nói chung và cán bộ, sinh viên nói riêng đối với vai trò của chuyển đổi số và ứng dụng của công nghệ thông tin địa không gian hiện đại.
PV: Để việc thực hiện các kế hoạch và chiến lược trên đạt hiệu quả cao, trường đã điều chỉnh các chương trình đào tạo và quan tâm mở mới các ngành như thế nào, xin ông chia sẻ?
PGS.TS Trần Quốc Bình: Định kỳ 2 năm 1 lần, Nhà trường rà soát và điều chỉnh các các chương trình đào tạo, điều chỉnh các bài giảng theo góp ý của các bên liên quan (trong đó, có các nhà tuyển dụng sinh viên) và cập nhật những kết quả nghiên cứu khoa học mới. Vấn đề chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin địa không gian là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều khi xây dựng hoặc cập nhật các chương trình đào tạo của Nhà trường.
Lấy ví dụ ở Khoa Địa lý, bên cạnh ngành Địa lý truyền thống, từ năm 1997 đã mở mới ngành Địa chính (nay là Quản lý đất đai) rất thành công. Và gần đây, Khoa đã mở thêm 2 ngành đào tạo mới là Khoa học thông tin địa không gian và Quản lý phát triển đô thị và bất động sản. Trong các ngành đào tạo này, các yếu tố công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin địa không gian, được chú trọng đặc biệt vì đây là một thế mạnh của Khoa Địa lý.
Khoa đã xây dựng và được phê duyệt một dự án đầu tư với kinh phí gần 15 tỷ đồng cho các thiết bị thông tin địa không gian hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Các Khoa khác của Trường cũng có những ngành đào tạo có yếu tố về chuyển đổi số và khoa học thông tin địa không gian.
PV: Hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhà trường quan tâm đẩy mạnh trong thời gian qua. Ông có thể chia sẻ hiệu quả của sự hợp tác này và kỳ vọng của nhà trường về sự phối hợp với các nước bạn trong tương lai?
PGS.TS Trần Quốc Bình: Hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học là một trong những thế mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói riêng. Chúng tôi có mối quan hệ hợp tác với hàng chục đối tác ở Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ.
Giờ thực tập đo đạc địa chính của sinh viên ngành Quản lý đất đai, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Riêng đối với lĩnh vực quản lý đất đai, thông tin địa không gian thì Hàn Quốc là một trong những đối tác thân thiết của Nhà trường trong hơn 10 năm qua. Nhiều chuyên gia Hàn Quốc đã đến Trường để thuyết trình các báo cáo khoa học, nghiên cứu sinh của cả 2 phía cũng đã có những kỳ làm việc dài hạn ở Việt Nam và Hàn Quốc. Một số cán bộ và sinh viên của Trường đã bảo vệ luận án tiến sĩ ở Hàn Quốc do các Giáo sư thuộc Đại học Daegu và Hiệp hội Địa chính Hàn Quốc hướng dẫn.
Một trong những sự kiện tiêu biểu về quan hệ hợp tác này là Hội thảo khoa học quốc tế hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về quản lý đất đai bền vững và công nghệ thông tin địa không gian năm 2022 được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tháng 6/2022. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của gần 100 nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đến từ 2 đất nước.
Với các lĩnh vực khoa học hiện nay có hợp tác chặt chẽ với các đối tác Hàn Quốc là quản lý đất đai, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, Nhà trường có chủ trương mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực khoa học thế mạnh khác trong thời gian sắp tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!