Ô nhiễm dai dẳng
Theo tìm hiểu, Cảng cá Thuận An chính thức xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2002. Tại đây, nhiều tàu thuyền thường xuyên ra vào, chở theo lượng lớn nguồn cá từ khơi xa vào đất liền để đáp ứng nhu cầu của người dân không chỉ riêng tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn các tỉnh lân cận. Đây cũng là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân mỗi khi có mưa bão. Hằng ngày, cảnh mua bán diễn ra tập nập nên cũng vì thế, vấn đề ô nhiễm trở nên đáng báo động.
Quan sát của PV thì ngày qua ngày cảng cá đều xuất hiện nhiều rác trôi nổi. Các chất thải trong quá trình buôn bán, sơ chế, rác thải sinh hoạt, phế phẩm thủy sản... đã làm cho môi trường nước và không khí khu vực này ô nhiễm nặng nề.
Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm cảng cá chính là tại cảng, các hộ kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá tiến hành xử lý cá, để lại nguồn phế phẩm thủy sản không hề ít. Có không ít người vô ý thức đã đổ trực tiếp xuống nguồn nước khiến cho nước bị ô nhiễm hơn. Do không có hệ thống xử lý nước thải, nguồn nước bẩn từ cảng cá tiếp tục chảy ra gần khu vực cảng gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân trong vùng, khiến cảng cá lúc nào cũng trong tình trạng bốc mùi hôi thối.
“Chỗ tôi ở là khu vực ô nhiễm nhất. Mùa hè nhà tôi đóng kín cửa mà vẫn không hết mùi hôi, đêm ngủ có khi phải bịt cả khẩu trang. Sợ nhất là đang bữa ăn có cơn gió nồm thổi vào, người thì bỏ bữa, người cố ăn cho xong. Vì thường xuyên ngửi mùi hôi nên tổ dân phố Tân Lập nhiều người mắc các bệnh giống nhau như đau đầu, viêm đường hô hấp, trẻ em thường bị viêm xoang...”- ông Hoàng Văn N. (tổ dân phố Tân Lập) bức xúc.
Các phế phẩm thủy sản sau khi sơ chế đều được nhóm công nhân vệ sinh thuộc ban quản lý cảng cá chèo thuyền xung quanh để nhặt rác nhưng sau một thời gian, khối lượng rác dồn ứ quá nhiều trong khi lực lượng quản lý lại mỏng. Do đó, ban quản lý cũng đành bất lực nhìn bãi rác ngày một dày thêm, đóng thành từng lớp.
Người dân ở cảng cá Thuận An còn cho rằng, không chỉ là do người dân vứt rác thải mà cách cảng cá không xa có Công ty Cổ phần thủy sản Phú Thuận An hoạt động. Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho môi trường nơi đây ô nhiễm. Qua sự kiểm tra của cơ quan chức năng thì phần lớn nước thải của công ty này chưa được xử lý thải ra cống ngầm, trực tiếp đổ ra biển gây ô nhiễm nguồn nước...
Được biết dân đã kiến nghị nhiều lần lên chính quyền sở tại về vấn đề ô nhiễm môi trường tại cảng cá Thuận An. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn chưa được cơ quan chức năng sớm giải quyết triệt để.
Xử lý dứt điểm
Báo cáo của Ban quản lý cảng cá Thuận An cho hay, việc xử lý môi trường tại cảng cá được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên vào mùa cao điểm, tàu cá của ngư dân ra vào nhiều nên không kiểm soát tình hình xả rác thải xuống biển. Bên cạnh đó, tại khu vực này, ngoài rác thải và nước thải từ hoạt động vận chuyển, thu mua cá của ngư dân còn có nguồn nước thải từ hoạt động sơ chế biến cá đông lạnh của doanh nghiệp và cơ sở nhỏ lẻ cùng với nước thải sinh hoạt của các hộ dân đang sinh sống trong khu vực lân cận...
Nhằm đảm bảo vấn đề môi trường, trước mắt Ban quản lý cảng cá Thuận An thông tin sẽ thực hiện việc thu gom rác thải và nạo vét bùn lắng bên chân cầu cảng và làm rộng ra tới giáp ranh khu vực được giao quản lý để cho tàu thuyền của ngư dân vào cảng được cập cảng cả hai bên chân cầu cảng; thời gian tiến hành khoảng 45 ngày.
Kiểm tra cảng cá Thuận An trong ngày 23/6, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc thu gom rác thải tại khu vực cảng chưa có giải pháp triệt để nên lâu ngày đã dẫn đến tình trạng này. Qua đây cho thấy, sự quan tâm và phối hợp của chính quyền địa phương với Ban quản lý cảng cá trong quản lý và xử lý vấn đề môi trường chưa chặt chẽ cũng như trong tuyên truyền vận động ngư dân có ý thức về bảo vệ môi trường.
“Yêu cầu việc thu gom rác thải và nạo vét cần phải tiến hành khẩn trương, bởi mùa mưa bão đang đến gần nếu kéo dài hơn 45 ngày thì khi bước vào mùa mưa sẽ không xử lý cơ bản và dứt điểm môi trường tại cảng cá. Trong quá trình xử lý, có vấn đề vướng mắc, báo cáo kịp thời UBND tỉnh. Lãnh đạo thị trấn Thuận An cần tăng cường về các khu vực dân cư, tổ chức họp dân để phổ biến và tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường...”- ông Phan Thiên Định nhấn mạnh.