Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2009 trở về trước, thôn Phước Trạch là một trong những thôn được liệt kê vào danh sách khó khăn của xã Lộc An. Khi đó do địa bàn không có trường học, đường sá đi lại vất vả nên việc học tập của học sinh trong thôn gặp rất nhiều vất vả, khó khăn.
Vì thế, một cơ sở trường học đã được hình thành. Cơ sở trường học đóng tại thôn Phước Trạch, được xây xong đầu năm 2010, với kinh phí hơn 434 triệu đồng từ dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em vùng khó khăn của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Trường được xây dựng gồm 2 phòng học, 1 phòng giáo viên, 1 nhà vệ sinh, trên diện tích khoảng 1.000m². Tưởng như công trình hoàn thành sẽ là nơi học tập, vui chơi của nhiều em học sinh trong vùng, thế nhưng từ đó đến nay đã 8 năm,không có bóng dáng học sinh nào...
Có mặt tại ngôi trường vào một ngày cuối tháng 7, PV nhận thấy ngôi trường đã xuống cấp hơn, cũ kĩ, rêu bám khắp nơi. Điều này cũng không khác gì tình cảnh cách đây 2 năm mà PV đã từng đi ngang qua và “mục sở thị” ngôi trường. Xung quanh cỏ dại mọc um tùm, không một người trông coi.Hệ thống điện nước cũng không có. Bên trong các phòng để hoang là những đống bàn ghế, giường, chiếu hư hỏng nằm lộn xộn.
Thấy thế, người dân địa phương đã tận dụng khoảng sân bằng đất đã xanh cỏ nằm phía trước trường để làm nơi cho trâu bò nghỉ ngơi, trồng thêm cây xanh và sinh hoạt...
Nhiều người sống tại thôn Phước Trạch cho rằng, việc ngôi trường không được sử dụng là một sự lãng phí. Theo họ thì khi xây trường, chủ đầu tư không tham khảo ý kiến người dân về điều kiện địa hình cũng như nhu cầu học sinh ở địa phương, thế nên công trình ra đời đã không phát huy tác dụng...
“Tôi ở đây cũng đã mấy chục năm và hồi đó nghe có xây trường cạnh nhà cũng phấn khởi, bởi có chỗ cho con em trong làng học mà không khí cũng vui lên. Nhưng bỏ hoang đến nay thì uổn quá, nghe đổi mục đích sử dụng để làm cái khác mà có thấy gì đâu...”, anh Chiến (58 tuổi, thôn Phước Trạch) chia sẻ.
Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Hồ Đắc Sự- Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết, trước đây thôn Phước Trạch là địa bàn khó khăn “3 không” khi không có điện, không đường sá và không có trường học. Do vậy, dự án giúp cho con em địa phương có địa điểm đi học thuận lợi hơn. Khi cơ sở trường học thôn Phước Trạch xây hoàn thiện thì đường sá, điện nước khi ấy đã có, nhu cầu học sinh vào trường để học lại không nhiều do tâm lý học đâu quen đó. Hầu hết phụ huynh đều đưa con em đến học ở Trường tiểu học Tiến Lực, cách cơ sở này không xa. Cảnh hoang vắng tại cơ sở trường học này là điều dễ hiểu.
“Vừa rồi xã vừa làm việc với Phòng Giáo dục huyện Phú Lộc để tiến hành các thủ tục hồ sơ để trình lên UBND tỉnh bàn giao lại cho địa phương quản lý. Sau khi bàn giao xong thì xã sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng trường; dự kiến sẽ đưa cơ sở này trở thành nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, hoặc chuyển giao cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; hoặc có thể quy hoạch chuyển đổi thành khu dân cư...”, ông Sự thông tin.
Được biết,đối lập với ngôi trường khang trang mà không ai học trên là thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thừa ThiênHuế có nhiều điểm trường tiểu học, THCS vì thiếu nguồn kinh phí nên không thể tu sửa hoặc xây mới.
Điển hình như cơ sở 1 Trường THCS thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) được xây dựng từ năm 1968, mỗi khóa có khoảng 300 học sinh theo học, nhưng cơ sở vật chất của trường hiện đã xuống cấp trầm trọng. Thế nhưng, giáo viên và học sinh đều phải giảng dạy và học tập dưới mái trường này, do không có điểm nào khác để di dời... Hoặc là trường tiểu học Ngô Kha (đường Chi Lăng) hay trường tiểu học Trường An (đường Phan Bội Châu, TP. Huế) đang xuống cấp nghiêm trọng mà báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường từng thông tin.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế nên đầu tư phù hợp cho mảng giáo dục, hạn chế tình trạng nơi lãng phí...