Xã hội

Thừa Thiên – Huế: Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

Văn Dinh (thực hiện) 06/09/2023 - 17:58

(TN&MT) - Qua nhiều năm xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn tại Thừa Thiên - Huế đã từng bước đổi thay, tươi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm. Để rõ hơn về vấn đề này, Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM tỉnh Thừa Thiên – Huế.

ntm-hue-1.jpg
Ông Nguyễn Đình Đức

PV: Xin ông cho biết những kết quả quan trọng đã đạt được sau nhiều năm triển khai xây dựng NTM?

Ông Nguyễn Đình Đức: Chúng tôi xác định xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục. Từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM vào năm 2010, tỉnh mới chỉ đạt bình quân 8,5 tiêu chí/xã, điều kiện kinh tế - xã hội vùng nông thôn gặp khó khăn về nhiều mặt. Tỉ lệ hộ nghèo 9,16 %. Sau hơn 12 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng phát triển. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhà cửa khang trang, nhiều tuyến đường xanh -sạch -sáng -đẹp ra đời; trường học, nhà văn hóa, hệ thống thủy lợi, nước sạch... được đầu tư đồng bộ đã tạo ra diện mạo tươi mới cho các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với chuỗi giá trị dần được hình thành, phát triển nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang dần được mở rộng ở các địa phương; Chương trình du lịch nông thôn và công tác chuyển đổi số hướng tới NTM thông minh được tỉnh quan tâm đầu tư và được các địa phương, người dân nhiệt tình hưởng ứng; các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn.

ntm-hue-2.jpg
Quá trình xây dựng NTM ở Thừa Thiên – Huế đã giúp đời sống người dân không ngừng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm còn 4,13%

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng/người/năm, gấp 4,5 lần so với năm 2010 (12,6 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 4,13%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 99,1%. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 96% (trong đó khu vực nông thôn đạt 94%). Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom toàn tỉnh 92%...

PV: Trong xây dựng NTM, tỉnh đã có những mô hình, cách làm nào hiệu quả để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo?

Ông Nguyễn Đình Đức: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những giải pháp cơ bản và lâu dài trong xây dựng NTM.

Thời gian qua, đã có nhiều mô hình điển hình phát triển sản xuất triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho dân, như mô hình trồng cam, trồng chuối đặc sản, mô hình cây dứa Cayen ở huyện Nam Đông; huyện A Lưới có cải tạo đàn bò, trồng sâm bố chính, du lịch cộng đồng; huyện Quảng Điền đã xây dựng được một số sản phẩm chủ lực như trà rau má, bột matcha rau má Quảng Thọ, rau xanh Vietgap Hóa Châu, Quảng Thành, mướp đắng Quảng Thái, khoai lang tím Quảng Công, mây tre đan Bao La - Quảng Phú, bún bánh Ô Sa - Quảng Vinh; huyện Phú Lộc đã phát triển trồng rừng gỗ lớn, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản; huyện Phú Vang phát triển giống lúa chất lượng cao, du lịch biển đầm phá, khai thác đánh bắt thủy hải sản; thị xã Hương Thủy đã trồng bưởi thanh trà, Hương sạch Tân Nguyên, kinh tế trang trại, gia trại; hay du lịch cộng đồng ở TP. Huế, Hương Trà, Phong Điền...

Đến nay toàn tỉnh đã có 56 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP, trong đó 17 sản phẩm 4 sao, 35 sản phẩm 3 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng.

Ngoài ra còn có các chương trình, đề án, kế hoạch như: Đề án phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh đến năm 2030, Quyết định phê duyệt hỗ trợ danh mục sản phẩm chủ lực tỉnh giai đoạn 2019-2020 và giải pháp phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025, Chương trình khuyến công,… Đây chính là cơ chế hỗ trợ người dân trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

ntm-hue-3.jpg
Nhiều mô hình phát triển kinh tế tại Thừa Thiên – Huế đang giúp bà con giảm nghèo

PV: Vậy, khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai xây dựng NTM ở tỉnh là gì?

Ông Nguyễn Đình Đức: Trong tổng số 30 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM của tỉnh, có đến 21 xã ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, các xã thuộc huyện nghèo; 9 xã còn lại thuộc các xã vừa thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn của giai đoạn trước. Đây là những xã hết sức khó khăn trong xây dựng NTM; các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước hiện mới chỉ đạt ở mức tiệm cận, chưa thực sự bền vững vì vậy so với Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 thì hầu hết các xã này đều không đạt theo chuẩn mới.

Việc huy động nguồn lực người dân và doanh nghiệp tham gia vào xây dựng NTM còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc duy trì và nâng cao các tiêu chí, phấn đấu xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Tại địa phương, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp khó lường; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; giá cả và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định. Mặt khác, một số người dân và cán bộ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc xác định lộ trình, giải pháp thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở một số xã còn chung chung, thiếu tính thực tế, việc giao nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo chưa cụ thể và chồng chéo...

ntm-hue-4.jpg
Thừa Thiên – Huế sẽ tiếp tục nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn

PV: Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, nâng cao chất lượng xây dựng NTM, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, tỉnh đã đề ra các định hướng và giải pháp cụ thể nào?

Ông Nguyễn Đình Đức: Trong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất, tỉnh tiếp tục nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa Huế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Tập trung xây dựng các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023. Rà soát xây dựng các tiêu chí thiếu hụt của các xã đạt chuẩn NTM so với bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM, các điều kiện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của TP. Huế và huyện Phong Điền trình Trung ương thẩm định.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, có lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.

Ngoài ra, triển khai Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM, phấn đấu có 1-2 đề tài nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản góp phần gia tăng giá trị và phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 2 huyện A Lưới và Nam Đông theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tính đến năm 2023, Thừa Thiên – Huế đã có 67/94 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 71,3%. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,44 tiêu chí/xã. Có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thị xã Hương Thuỷ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và huyện Quảng Điền đạt chuẩn NTM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO