Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là hướng đi mà anh Trần Đình Lai (SN 1975, trú tại thôn An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền) hướng đến để phát triển sự nghiệp của mình. Anh còn có biệt danh gần gũi hơn là anh Lai “vỏ trấu” vì đã chịu khó mày mò nghiên cứu và chế tạo thành công máy ép vỏ trấu thành củi ngay chính trên quê hương.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp cơ khí trường Kỹ nghệ thực hành Huế năm 1996, anh Lai trở về quê gây dựng sự nghiệp với những ý tưởng sáng tạo, ứng dụng thiết thực để phục vụ cho công việc đồng áng của nông dân.
“Quê của tôi vốn là vùng thuần nông nên có lượng vỏ trấu rất dồi dào. Tôi thường thấy người ta đem đổ bỏ hoặc vun đống vào đốt. Mỗi lần đốt như vậy, khói bụi bay tứ tung, mùi khét lan tỏa làm ảnh hưởng tới môi trường sống cũng như sức khỏe của cộng đồng. Thời trước khó khăn, người dân coi trấu là nguyên liệu quan trọng để đun nấu nhưng giờ thì không còn ai sử dụng nữa. Nhìn thấy cảnh đó, tôi luôn đặt ra câu hỏi tại sao một nguyên liệu vừa rẻ, vừa có giá trị như vậy lại vứt đi? Tại sao mình không tìm một giải pháp để tận dụng nguồn nguyên liệu quý giá này? Ý tưởng ban đầu của chiếc máy ép củi trấu được hình thành như vậy”, anh Lai nói.
Năm 2008, khi Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế có dự án đầu tư, chế tạo các loại máy móc có tính hữu dụng cao phục vụ người dân, dù nghèo nhưng với tiền vốn được hỗ trợ là 29,5 triệu đồng, anh Lai đã “liều” bắt tay vào nghiên cứu sản xuất máy ép củi trấu.
“Nhiều lần chế tạo ra máy ép những vẫn không thành công, sau này nhờ sự quyết tâm của bản thân cũng như sự ủng hộ của gia đình và bà con trong xã, cuối cùng tôi cũng đã chế tạo thành công. Máy hoạt động dựa trên nguyên lý nén bằng trục vít, có van nhiệt và sản phẩm tạo ra là những thỏi củi dài hình ống từ nguyên liệu có sẵn ở địa phương. Lúc đầu trấu được cho vào máy ép, bộ phận sấy tự động sẽ làm giảm độ ẩm của trấu, sau đó ép thành củi dạng ống, dài 70 cm, năng suất có thể đạt từ 150 đến 200kg/giờ, chỉ cần 1,5kg trấu sẽ cho ra lò 1 kg củi”, anh Lai cho hay.
Đến nay mỗi năm, anh Lai bán ra hàng chục máy ép củi trấu không những cung cấp thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu đến hai nước Lào và Campuchia. Anh Lai cũng đã thành lập doanh nghiệp tư nhân, đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm khác như máy sấy mùn cưa, máy chế biến thức ăn gia súc và các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp của anh Lai có doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 20 lao động của địa phương.
“Nhờ có chiếc máy ép củi trấu mà những người làm nông như chúng tôi đỡ vất vả rất nhiều, phần bỏ đi của mùa vụ lại có thể tái sử dụng khiến chúng tôi có thêm mục tiêu để tăng gia sản xuất, kiếm thêm thu nhập...” chị H. một nông dân ở thôn An Xuân chia sẻ.
Hiện nay, riêng trên địa bàn huyện Quảng Điền có khá nhiều xưởng sản xuất củi trấu, tạo điều kiện, công ăn việc làm cho nhiều công nhân. Cách nhà anh Lai không xa, anh Lê Đức đã sử dụng máy ép của anh Lai chế tạo, mang về doanh thu tiền tỷ, đồng thời giúp đỡ nhiều công nhân có công ăn việc làm ổn định.
“Sản phẩm của tôi bây giờ được bán chạy ở khu công nghiệp thuộc các tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh, Bình Định, Hải Phòng. Tôi đã biết và tin dùng máy ép do anh Lai chế tạo, vì thế sản phẩm của tôi bây giờ rất ổn và đông khách”, anh Đức bộc bạch.
Với thành tích của mình, anh Lai đã nhận được nhiều giải thưởng có giá trị như Giải thưởng Lương Đình Của năm 2011 cho nhà nông trẻ xuất sắc, bằng khen và kỷ niệm chương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về đề tài giải pháp ý tưởng sáng tạo tiêu biểu trong năm 2011; giấy chứng nhận bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2016; danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017...
“Mình đang ấp ủ nhiều dự định để cho ra đời thêm những chiếc máy thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái ở các vùng quê”, anh Lai tâm sự thêm.