Thừa Thiên Huế và Quảng Nam trao đổi kinh nghiệm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Văn Dinh| 07/04/2021 18:03

(TN&MT) - Chiều 7/4, Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về trao đổi kinh nghiệm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Trần Văn Tân cho biết, Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho phép xây dựng “Đề án  về một số cơ chế, chính sắc đặc thù bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị Di sản văn hóa Thế giới đô thị cổ Hội An” để gửi các bộ, ngành thẩm định. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đề án còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. 

“Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam nói chung, thành phố Hội An nói riêng có những nét tương đồng, cùng hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị “Đô thị di sản” làm động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thừa Thiên Huế đã được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Nam mong muốn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế liên quan đến một số vấn đề như các bước xây dựng đề án; đơn vị tư vấn đề án; trình tự, thủ tục lấy ý kiến bộ ngành, trung ương; công tác thu phí tham qua, trùng tu tu, tu bổ di tích; công tác quy hoạch; kinh nghiệm trong việc triển khai...”, ông Tân nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Trần Văn Tân phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi gặp, đại diện các sở ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm rõ các nội dung mà đoàn công tác tỉnh Quảng Nam quan tâm, muốn trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Thanh Bình khẳng định, việc tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam trao đổi kinh nghiệm về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn và phát huy giá trị di sản là việc làm cần thiết nhằm phát huy những giá trị đặc thù mà hai địa phương hiện có, hướng đến mục tiêu chung là phát triển bền vững, phát huy giá trị lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa.

Chia sẻ một số kinh nghiệm cụ thể trong việc triển khai Đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương trong xây dựng đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế, cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế”. Chọn Viện Nghiên Cứu Quản lý kinh tế Trung ương- Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đơn vị tư vấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Thanh Bình chia sẻ

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng lộ trình triển khai cụ thể thông qua Chương trình hành động, kế hoạch triển khai; Họp báo cáo tiến độ hàng tuần, hàng tháng. Tích cực làm việc với các Bộ ngành trung ương, văn phòng chính phủ, các Ủy ban thuộc Quốc hội. Tổ chức các Hội nghị, hội thảo tham vấn lấy ý của các Bộ ngành, cơ quan trung ương để hoàn thiện một số cơ chế chính sách quan trọng. Để nhanh chóng trong việc xin ý kiến các Bộ ngành Trung ương về cơ chế chính sách, UBND tỉnh có Tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các Bộ nghành liên quan; đồng thời, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho từng Sở ngành liên quan chủ động làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, chú trọng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến của các Bộ ngành và yêu cầu phía tỉnh giải trình một số nội dung; sau đó Bộ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp báo cáo, có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ. Để có cơ sở trình UBTVQH, Quốc hội thông qua các cơ chế chính sách theo thẩm quyền, Chính phủ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất hồ sơ trình Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội...

“Buổi làm việc hôm nay đã gợi mở được nhiều vấn đề cho cả hai địa phương, trên cơ sở tương đồng về nhiều mặt, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam cần phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới nhằm cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ nhau trong thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế xã hội”, ông Bình chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế và Quảng Nam trao đổi kinh nghiệm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn và phát huy giá trị di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO