Hàng nghìn hecta chào đón đầu tư
Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp (KKT, CN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 1 KKT là Chân Mây - Lăng Cô và 6 khu công nghiệp (KCN) gồm Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh với tổng diện tích quy hoạch 3.050 hecta, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 2.000 hecta, diện tích đất công nghiệp đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê là 326 hecta, diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê theo quy hoạch là 1.660 hecta; diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê mà đã đầu tư hạ tầng 235,7 hecta.
Thừa Thiên Huế đang có 6 KCN và sẵn sàng thu hút đầu tư |
Ông Lê Văn Tuệ - Trưởng Ban quản lý các KKT, CN tỉnh cho biết, hiện nay một số KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng nhưng đã thu hút được một số nhà đầu tư thứ cấp, như khu tiểu thủ CN thuộc KCN La Sơn, KCN Phú Đa, Khu A KCN Phong Điền. Với thực trạng của các KCN này, việc thu hút nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN rất khó khăn do diện tích đất còn lại ít, đầu tư không hiệu quả. Vì vậy, Ban Quản lý KKT, CN tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, thống nhất chủ trương đối với các KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng, để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, khi cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp đầu tư dự án sản xuất CN.
“Ban cũng đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương tất cả các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN phải đầu tư hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch trong năm 2021; trường hợp đến hết năm 2021 nếu các KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng nhưng chưa đầu tư hoàn thành công trình xử lý nước thải tập trung thì không xem xét, cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, kiến nghị UBND cấp huyện quan tâm đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án”, ông Tuệ cho hay.
Một số KCN ở Huế vẫn còn rất ít dự án, thậm chí bỏ hoang... gây lãng phí tài nguyên đất, trong ảnh là KCN Quảng Vinh |
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ đánh giá, từ đầu năm đến nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID - 19 nhưng có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu đầu tư trên địa bàn. Có thể nói rằng bên cạnh bị tác động bởi dịch bệnh thì thời điểm này là cơ hội vàng để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển địa bàn đầu tư, chuyển hướng vào Việt Nam.
“Chúng ta phải nắm bắt, tận dụng cơ hội, nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ để có được những kết quả cao hơn trong thu hút đầu tư vào các KCN. Đây là trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, Ban quản lý KKT, CN tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và các nhà đầu tư hạ tầng...” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo Ban quản lý KKT, CN tỉnh và các ngành, địa phương phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng một cách đồng bộ tại các KKT, KCN để đón đầu các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cần phải có sự chọn lọc, không phải vì mục tiêu thu hút nhiều dự án mà đánh đổi môi trường hay thu hút những dự án có nguy cơ ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao…
“Phải hướng tới xây dựng các khu công nghiệp tại Thừa Thiên Huế có giá trị gia tăng cao, là những khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù địa phương chúng ta đang hướng đến là xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh ...”, ông Thọ nói.
Nhiều dự án lớn ở các KKT, CN tại Thừa Thiên Huế đang được triển khai, góp phần thúc đẩy đầu tư |
Giao ban hằng tháng với các nhà đầu tư hạ tầng
Tại buổi làm việc với các nhà đầu tư hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh trong ngày 27/5, ông Phan Ngọc Thọ lưu ý Ban Quản lý KKT, CN tỉnh bên cạnh việc tập trung đầu tư vào khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thì cần quan tâm hơn nữa đối với việc đầu tư hạ tầng tại các KCN do Ban đang quản lý. Hằng tháng, Ban Quản lý KKT, CN tỉnh phải chủ trì giao ban với các nhà đầu tư hạ tầng, qua đó lắng nghe và kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc; những vấn đề gì cần thiết thì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết kịp thời nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Về tháo gỡ những tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các nhà đầu tư phải đăng ký nhu cầu sử dụng đất của mình với UBND các huyện, thị xã để địa phương có kế hoạch giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý KKT, CN tỉnh cần phải giám sát việc đầu tư hạ tầng của các nhà đầu tư song song với việc cùng với chính quyền các huyện, thị xã thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý KKT, CN tỉnh cũng cần tăng cường giám sát, nếu có vi phạm gì của nhà đầu tư thì báo cáo, xử lý kịp thời.
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn |
“Các nhà đầu tư cần khẩn trương, huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ; nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Việc đầu tư đồng bộ hạ tầng mới tạo sức hấp dẫn của nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bên cạnh một số nhiệm vụ thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước thì việc chậm trễ trong đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải có phần trách nhiệm của các nhà đầu tư hạ tầng. Đề nghị các nhà đầu tư hạ tầng phải tập trung đầu tư trạm xử lý nước thải nhằm tuân thủ các quy định và đảm bảo môi trường...”. Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.