Người dân luôn sống trong lo lắng bởi dòng sông này vẫn đang tiếp tục cuốn đi từng mảnh đất nơi đây |
Nổi lo bên miệng “hà bá”
Mấy năm trở lại đây cứ vào mùa mưa, hàng chục hộ dân ở Tổ 1 thuộc KV1, phường An Đông và Tổ 15 - 16 phường Xuân Phú (TP. Huế) luôn bất an trước tình trạng sạt lở, xói mòn của sông Như Ý. Mỗi năm dòng sông này vẫn tiếp tục cuốn đi từng thửa đất, đe dọa trực tiếp tới những ngôi nhà của hàng chục hộ dân nơi đây.
Ông Hoàng Văn Đức (SN 1970, Tổ 1, KV1, phường An Đông) cho biết, trước năm 2000, căn nhà cách bờ sông khoảng 10 mét nhưng bây giờ còn hơn 3 mét, có muốn gia cố cũng không thể bởi sạt lở sắp ‘ăn’ đến móng nhà. Cứ mỗi mùa mưa lũ, nước trên sông Hương chảy về sông Như Ý dâng cao nên dòng chảy rất mạnh, xoáy vào hai bên bờ sông khiến cả khu vườn rộng của gia đình đổ sập xuống sông.
Sợ mất đất, mất nhà, nhiều hộ đã mua tre đóng cọc đổ kè nhưng vẫn không ăn thua trước tình trạng sạt lở này |
“Sợ mất đất, mất nhà, gia đình tôi đã tự bỏ ra một số tiền rất lớn để mua tre đóng cọc, sau đó thuê hàng trăm xe đất đổ đê kè vườn với hy vọng giữ lại mảnh đất, nhưng hiện toàn bộ bờ kè cùng đất đá đều bị cuốn ra sông. Cứ mỗi khi mưa to, gió lớn cả nhà tôi đều ngủ không yên bởi lo sông lở nuốt mất nhà, ảnh hưởng đến tính mạng của cả gia đình”- ông Đức lo lắng.
Cùng chung nỗi lo, ông Đào Liên Tấn (50 tuổi, tổ 16, phường Xuân Phú) cho hay: “Vào những lúc mưa to, toàn bộ gia đình tôi nhanh chóng sắp xếp đồ đạt để đi đến nhà người thân ở nơi khác để đảm bảo an toàn. Nước sông chảy xiếc vào mỗi mùa mưa khiến bờ sông bị sạt lở mạnh, nhà tôi vì thế mà nứt toát khắp nơi. Trước đây còn những lũy tre thì đỡ hơn, giờ đã bị cuốn trôi hết nên không còn gì che chắn nữa". Vừa nói ông Tấn chỉ về hướng lũy tre bị cuốn về sát mép sông mà lắc đầu ngán ngẩm.
Nước sông vào mỗi mùa mưa chảy xiếc làm nứt toát khắp nơi ở nhà ông Tấn |
Ngay cả những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi, những bụi tre già cũng bị đánh bật gốc, gãy đổ nghiêng ngả thì đủ thấy sức nước mạnh đến cỡ nào. Nếu cứ kéo dài như thế này thì chắc chắn một thời gian nữa hàng chục hộ dân ở dọc bờ sông Như Ý này sẽ chẳng còn nhà để ở nữa.
Theo người dân nơi đây, tình trạng sạt lở cuốn theo đất đai, cây cối trong vườn diễn ra đã nhiều năm nay. Diện tích đất của nhiều hộ mỗi năm một giảm. Mỗi mùa mưa lũ đi qua người dân phải mua cọc tre về chằng chống giữ đất, nhưng vẫn không hạn chế được khi tình hình sạt lở diễn ra ngày càng phúc tạp hơn.
Nền nhà cũng bị nứt toát |
Ngoài ra, người dân cho biết thêm, trước đây đoạn sông này thường xuyên xuất hiện một số thuyền bè đến khai thác trộm cát vào ban đêm, điều này đã khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn.
Loay hoay chống sạt lở
Sạt lở bờ sông Như Ý đoạn qua phường An Đông và Xuân Phú đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân và chính quyền sở tại. Thời gian qua, các ngành chức năng đã triển khai hàng loạt giải pháp phòng chống sạt lở trên sông Như Ý nhưng vẫn như “muối bỏ bể”.
Do không có kè nên đoạn đường tại sông Như Ý nứt làm đôi, có nguy cơ đổ xuống sông bất cứ lúc nào |
Ông Vương Đình Nghị- Chủ tịch UBND phường An Đông cho rằng, hiện tại địa phương và thành phố Huế đã có phương án xây dựng bờ kè chống sạt lở cho khu vực sông này, nhưng vì là đoạn sông sâu nên cần kinh phí rất lớn, điều này vượt ngoài khả năng của địa phương cũng như thành phố. Vào năm 2016, địa phương đã cho gia cố bằng rọ đá tại một số khu vực sạt lở nặng. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn cứ tiếp tục diễn ra thêm nhiều nơi khác, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân.
Trao đổi thêm với ông Lương Vầy- Phó Chủ tịch phường Xuân Phú, ông Vầy cho biết đây là vấn đề mà chính quyền sở tại rất lo lắng, hiện tại hai tổ 15 và 16 có hơn 20 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng sạt lở này. Vào ngày 29/10/2015, UBND phường đã có tờ trình số 57/TTr-UBND gửi lên UBND TP. Huế phản ánh về việc các hộ dân 15 và 16 bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở bờ sông.
Chính quyền cũng như người dân rất lo lắng về điều này |
“Hiện tại phường đã cho người đóng tạm cọc tre xuống sông tại khu vực bị sạt lở để hạn chế một cách tối đa nhất, nhưng điều này vẫn không ăn thua bởi sau mỗi mùa mưa số cọc này đều bị nước cuốn trôi mất. Vào những ngày mưa lũ, chính quyền liền huy động lực lượng về túc trực, đưa người dân dọc bờ sông bị ảnh hưởng đến khu vực khác để bảo vệ tính mạng và tài sản, đồng thời cắm biển thông báo cho bà con không được xây dựng nhà cửa trên nền đất bị yếu dọc bờ sông này”- ông Nghị trình bày.
Ông Nghị cho biết thêm, muốn an toàn cho người dân sống gần bờ sông cần phải bố trí một nơi ở khác, điều này chính quyền địa phương đang phối hợp với các ban ngành khác nhau để tìm cách bố trí chỗ ở cho người dân tốt nhất.
Bài & ảnh:Đức Linh