Thừa Thiên Huế: Thấp thỏm nổi lo sạt lở sông Bồ

25/04/2017 00:00

(TN&MT) - Nhiều năm qua, người dân sống dọc bờ sông Bồ, đoạn qua thôn Giáp Tư, phường Hương Văn, TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn thấp thỏm lo lắng khi bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, “nuốt chửng” nhiều diện tích đất đai hoa màu của người dân. Đặc biệt, đợt mưa lũ lớn vào năm 2016 vừa qua, khiến bờ sông sạt lở càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Người dân rất lo lắng trước tình trạng sạt lở bờ sông Bồ ngày càng nghiêm trọng
Người dân rất lo lắng trước tình trạng sạt lở bờ sông Bồ ngày càng nghiêm trọng

Ghi nhận của PV Báo Tài nguyên & Môi trường, đoạn sông Bồ qua thôn Giáp Tư (phường Hương Văn, TX. Hương Trà) bị sạt lở nghiêm trọng dài gần 1 km, khiến bờ sông dựng đứng cao hơn 4m, rất nguy hiểm cho người và gia súc khi đến gần. Nhiều diện tích đất bị lấn sâu hơn 10m khiến người dân nơi đây không thể canh tác được nữa. Nghiêm trọng hơn, con đường dân sinh vừa được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng vào năm 2012 cho người dân đi lại, nay sạt lở chỉ cách mép đường chưa đầy 5m. Tình trạng này đã khiến hàng chục hộ dân nơi đây luôn trong tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” khi bờ sông cứ ngày càng dịch chuyển vào sát nhà dân. Hàng nghìn khối đất, cát cứ thế bị dòng sông “nuốt chửng” sau mỗi đợt lũ.

Tình trạng này đã khiến người dân nơi đây trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” khi bờ sông ngày càng sạt lở
Tình trạng này đã khiến người dân nơi đây trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” khi bờ sông ngày càng sạt lở

Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ sông Bồ đã xảy ra hơn 10 năm nay. Cứ đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, bờ sông bị “con nước” ăn sâu từ 2-3m đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục hộ dân nơi đây. Người dân cho biết thêm, ngoài sạt lở do thiên tai, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nạn “cát tặc” diễn ra từ nhiều năm trước đó.

Không giấu được lo lắng, ông Lê Mộc (71 tuổi, trú tại thôn Giáp Tư, phường Hương Văn) cho biết, ông sống gần khúc sông này hàng chục năm đã chứng kiến cảnh sạt lở bờ sông rộng thêm từng ngày. Trước đây, bờ sông cách nhà ông hơn 30m, thế nhưng bây giờ sạt lở đã tiến gần đến con đường trước mặt nhà. Ông Mộc cũng như bao người dân khác đều bày tỏ sự lo lắng vì thực trạng này vẫn tiếp diễn hằng năm.

Bờ sông đã bị khoét thành hàm ếch, có thể sụt xuống bất cứ lúc nào
Bờ sông đã bị khoét thành hàm ếch, có thể sụt xuống bất cứ lúc nào

“Nó đã ăn sâu hơn 20m rồi, trước đây ngoài đó (bờ sông – PV) còn rộng lắm, có cả sân bóng cho trẻ con trong làng chơi mỗi buổi chiều. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây tình hình mưa lũ phức tạp đã khiến nơi này sạt lở nghiêm trọng, sân bóng vì thế mà cũng bị dòng nước cuốn đi. Cứ mỗi năm bờ sông bị sạt lở khoảng 2-3 m, khiến những hộ sống gần sông này luôn nơm nớp lo sợ. Giờ di chuyển lên chỗ khác thì đất không có, người dân thì nghèo, không thể mua đất, ở gần sông này thì rất nguy hiểm”- ông Mộc lo lắng.

Cũng như gia đình ông Mộc, gia đình anh bà Nguyễn Thị Sương ở thôn Giáp Tư cũng luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ. Ngôi nhà của gia đình bà Sương nằm gần con sông, do nơi đây không có hệ thống kè bờ nên năm nào bờ sông cũng bị sạt lún, nhất là vào mùa mưa lũ. Người dân sống ở khu vực này cảm thấy vô cùng lo lắng khi sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Mỗi khi lũ về, nước xoáy sâu làm đất đá rơi tuột xuống sông từng mảng lớn, khiến diện tích đất đai bị thu hẹp dần.

Bờ sông ngày càng lấn sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân nơi đây
Bờ sông ngày càng lấn sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân nơi đây

Bà Sương cho biết: “Trận lụt năm 2016 vừa qua, nước sông dâng lên tới sân, khi nước rút thì tui hoảng hồn khi thấy đất đai bờ sông bị sạt hơn 3m. Có những đêm nằm ngủ nghe thấy tiếng đất lở xuống sông ầm ầm mà tui thấy sợ, vừa sợ vừa xót. Khu vực này trước đây được trồng một hàng tre dài để giữ đất, giờ nước sông cuốn sâu vô, nhấn chìm hết cả. Nếu không xây kè để bảo vệ thì mùa mưa lũ tới, diện tích ven sông này chắc sẽ không còn. Bởi giờ bờ sông đã bị khoét hàm ếch hết, có thể sụt xuông bất cứ lúc nào”. 

Không chỉ có gia đình ông Mộc và bà Sương mà hàng chục hộ dân thôn Giáp Tư sống dọc bờ sông Bồ cũng trong tình cảnh sợ mất đất mất nhà. Được biết, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân liên tục phản ánh tình hình sạt lở bờ sông với chính quyền địa phương, nhưng do địa phương thiếu kinh phí xây dựng kè chống sạt lở, khiến bờ sông ngày càng lấn sâu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân nơi đây.

Sạt lở dài gần 1 km khiến bờ sông dựng đứng, rất nguy hiểm cho người và gia súc khi đến gần
Sạt lở dài gần 1 km khiến bờ sông dựng đứng, rất nguy hiểm cho người và gia súc khi đến gần

Ông Trần Đức (Cán bộ địa chính phường Hương Văn) cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua địa bàn thôn Giáp Tư hiện nay diễn ra rất nghiêm trọng. Hàng năm, sau mỗi lần mưa lũ bờ sông bị sạt lở hơn 2m, điều này đã khiến cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. “Trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, chính quyền địa phương đã nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về điều này. Hiện tại, chúng tôi đã có đề xuất lên cấp trên về tình hình sạt lở nơi đây. Điều mà chúng tôi cũng như người dân nơi đây mong muốn là ban ngành các cấp cần sớm có đề án triển khai xây dựng bờ kè nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở đất để người dân yên tâm sinh sống”- ông Đức cho hay.

Bài & ảnh:Đức Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Thấp thỏm nổi lo sạt lở sông Bồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO