Theo thống kê đến trước ngày 28/6 tại Thừa Thiên Huế đã có 18 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại 25,08 ha. Tiếp theo các ngày từ 28/6 đến 1/7 đã xảy ra liên tiếp 5 vụ cháy rừng và có 3 vụ cháy xảy ra cùng một thời điểm tại các huyện, thị xã trong tỉnh, thiệt hại hàng trăm ha rừng trồng.
Nhằm chủ động triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu tối đa số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị truyền thông và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tổ chức kiểm tra, giám sát công tác PCCCR đến tận cơ sở, đảm bảo chủ động hoàn toàn khi có cháy xảy ra.
Tình hình cháy rừng ở Huế đang phức tạp thời gian gần đây |
UBND cấp xã, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCCCR; chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng và việc sử dụng lửa trong rừng, gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt xử lý thực bì; có quy định cấm đốt lửa khi dự báo cháy rừng cấp IV, V theo quy định của pháp luật về PCCCR. Xây dựng phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước khi xảy ra cháy rừng. Chỉ đạo các địa phương, chủ rừng khắc phục thiệt hại và ổn định sản xuất sau cháy rừng; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm kiểm tra rà soát khắc phục những tồn tại trong công tác PCCCR của các địa phương, chủ rừng để đáp ứng phù hợp với tình hình nắng nóng hiện nay; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên các phần mềm cảnh báo cháy rừng và kịp thời thông báo cho các địa phương, đơn vị để có biện pháp đề phòng. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục kiểm lâm. Tiến hành kiểm tra, rà soát các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng để kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ.
Các đơn vị chủ rừng rà soát nguồn lực như lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để kịp thời bổ sung đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng”. Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí lực lượng trực các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ cháy rừng để kiểm soát người ra vào rừng và sử dụng lửa. Kịp thời phát hiện điểm cháy, thông tin và phối hợp huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt kịp thời cháy rừng trong thời gian sớm nhất, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 theo quy định.