Hồ đập tại Thừa Thiên Huế khô cạn trong năm 2019 do hạn hán kéo dài |
Nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong năm 2020
Điều mà PV dễ dàng nhận thấy trong suốt một năm qua tại Huế là tình cảnh nắng nóng kéo dài, “hiếm” mưa khiến cuộc sống người dân khốn khổ. Thống kê cho thấy năm 2019, lượng mưa trên toàn địa bàn Thừa Thiên Huế thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, nắng nóng kèo dài liên tục trong nhiều tháng với nền nhiệt 47, 48 độ C có khi hơn 50 độ C đã khiến khoảng 1.600 ha lúa vụ Hè Thu bị khô hạn, hơn 2.100ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, hơn 3.000 ha cây trồng khác thiếu nước tưới. Hàng chục vụ cháy lớn nhỏ cũng đã xảy ra và các hồ đập rơi vào cảnh khô hạn khốc liệt chưa từng có, mang tính “lịch sử” tại địa phương này.
Qua tìm hiểu, hiện nay mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt khoảng 60 - 100% dung tích thiết kế, riêng hồ Phú Bài 2 đạt 30,5% dung tích thiết kế. Các hồ thủy điện cũng đạt mức thấp, hồ Tả Trạch 75,3%; Hương Điền 53,7%; Bình Điền đạt 20,5% dung tích. Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng thủy văn, các chuyên gia cho rằng khả năng trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020 và vụ Hè Thu năm 2020.
Đất đai nứt nẻ, cá chết do thiếu nước |
Sở NN&PTNT thông tin, vụ Đông Xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào gieo cấy 28.667 ha lúa và 3.591 ha rau các loại. Trong đó, dự kiến sẽ có 2.192 ha bị thiếu nước, chuyển đổi 491 ha. Ngoài ra, diện tích hoa màu, sắn khả năng bị hạn tập trung ở các vùng lạc tại xã Phong Sơn, Phong Xuân (huyện Phong Điền); phường Hương Văn, Hương Vân, Hương Xuân, Hương Chữ (thị xã Hương Trà). Diện tích lúa Hè Thu năm 2020 dự kiến sẽ có khoảng 3.000 ha không chủ động được nguồn nước ở vùng cát ven biển, vùng gò đồi, vùng núi Nam Đông, A Lưới và các vùng cuối kênh...
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay, để chủ động trong việc chống hạn, huyện đã chỉ đạo các địa phương, xã tổ chức rà soát lại hệ thống kênh mương; khắc phục các điểm hư hại trên hệ thống tưới tiêu, tránh thất thoát nước ở đầu nguồn, thiếu nước ở vùng hạ du. Đồng thời chỉ đạo phòng Nông nghiệp phối hợp với các xã thực hiện chuyển đổi cây trồng chống hạn tốt để sản xuất, tránh thiệt hại cho nông dân.
Người nông dân khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước cho cây trồng |
Theo UBND huyện Quảng Điền, dự báo trong thời gian tới, huyện có 100ha bị hạn và phải chuyển đổi, trong đó dự kiến 60 ha chuyển sang trồng sen; 25 ha trồng khoan lan tím, cây nén... Huyện đã tiến hành nạo vét các hồ chứa, tuyến sông, hói nội đồng, lòng hồ, vớt bèo khơi thông dòng chảy để đảm bảo nguồn nước cho vụ Đông Xuân.
Chủ động nhiều phương án
Được biết hiện các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã và đang tiến hành các giải pháp chống hạn, tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019 -2020 như nạo vét các tuyến hói, kênh dẫn nước từ các cống vào kênh mương nội đồng, đầu mối trạm bơm tưới và các máy bơm dầu lẻ. Tu bổ kênh mương, đặc biệt quan tâm các tuyến kênh bê tông nội đồng đã hư hỏng nặng của các hợp tác xã. Tiến hành khảo sát để lập phương án lắp đặt trạm bơm để tạo nguồn, tưới khi hạn hán nặng xảy ra...
Khơi thông các tuyến kênh mương |
Ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, các địa phương cần chủ động chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ hoang tránh gây thiệt hại cho nhân dân. Tiến hành nạo vét các ao hồ, kênh rạch vùng cát để lấy nước ngọt cho vùng ruộng ven phá và vùng biển. Sử dụng tiết kiệm nước, tưới luân phiên, có khung lịch thời vụ hợp lý, cơ cấu giống ngắn ngày.
“Theo dự áo vào tháng 6 - 7 sang năm thì nguồn nước trên sông Bồ sẽ bị thiếu hụt, vì vậy các hộ chăn nuôi các lồng trên sông cần chủ động vào giảm mật độ nuôi, thu hoạch sớm để tránh thiệt hại. Bên cạnh đó so với mọi năm, hiện nay một số khu vực có diện tích đất đủ điều kiện, thuận lợi thì các hộ dân cần sớm gieo xạ các giống lúa ngắn ngày. Đối với cây lạc, các địa phương cần chỉ đạo, khuyến khích người dân gieo trồng càng sớm càng tốt...”, ông Vang nhấn mạnh.
Trồng các loại cây trồng chịu hạn là một phương án hiện nay |
Tại buổi làm việc với các sở ngành liên quan về việc triển khai các giải pháp chống hạn vừa diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nêu rõ, trong tình hình thời tiết diễn ra khắt nghiệt, phức tạp, các địa phương, đơn vị cần chủ động hơn nữa trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ”. Các địa phương cần căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân để có giải pháp cụ thể, lâu dài trong việc chống hạn.
“Những khó khăn về thời tiết thiên tai sẽ là động lực để địa phương đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thay vì bám vào cây lúa cho thu nhập thấp, bấp bênh sẽ chuyển sang những cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Các địa phương, sở bàn ngành, nhất là Sở NN&PTNT phải tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp để mỗi huyện, mỗi xã sản xuất ổn định, từng bước nâng cao chất lượng, đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân, ổn định lâu dài cho sản xuất nông nghiệp...”, ông Thọ nói.