Thừa Thiên Huế: Tạm ngưng hoạt động 300 doanh nghiệp

Văn Dinh| 18/07/2020 22:38

(TN&MT) - Thừa Thiên Huế có 300 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua...

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, ước tính 6 tháng đầu năm 2020, có 500 doanh nghiệp và cơ sở trực thuộc thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 125 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 300 doanh nghiệp; giải thể 47 doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp ở Huế phải ngưng hoạt động

Đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 3.800 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 270 tỷ đồng (11,41 triệu USD). Đặc biệt có 2 dự án lớn là Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Bách Việt với mức đầu tư 2.655 tỷ đồng; Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) vốn đầu tư 700 tỷ đồng dự kiến đầu năm 2021 sẽ đưa máy bay vào cất cánh thương mại.

Đã điều chỉnh 16 dự án, trong đó 7 dự án giãn tiến độ, 3 dự án tăng vốn với vốn tăng thêm 184 tỷ đồng. Thu hồi 1 dự án đầu tư xây dựng Chợ đầu mối Phú Hậu. Đã ban hành danh mục 10 dự án khởi công trong năm 2020, đến nay đã có 4 dự án khởi công, đang tiếp tục thực hiện thủ tục hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án.

Công tác bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án kêu gọi đầu tư được quan tâm. Đến nay, đã xây dựng thông tin gần 200 dự án, trong đó có 16 dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư.

Thừa Thiên Huế đã xây dựng thông tin gần 200 dự án để kêu gọi đầu tư

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, dự báo năm nay tác động kép từ NĐ100 của Chính phủ và dịch bệnh Covid - 19 sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó một số nguồn thu gặp khó. Tỉnh vẫn không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, do đó, Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp (KKT, CN) tỉnh phải thể hiện là đầu tàu, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Muốn làm được điều này, lãnh đạo Ban cần có kế hoạch phát triển các KKT, CN theo hướng nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn với quản lý, bảo vệ môi trường, tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KKT, CN và giải quyết việc làm...

“Lãnh đạo Ban phải tích cực hơn nữa, chủ động hơn nữa để phối hợp với nhà đầu tư khởi động các dự án tại các KKT, CN tỉnh, qua đó tạo nguồn thu, cân đối thu chi của tỉnh. Phải tranh thủ và tận dụng các cơ hội, điều kiện thuận lợi, không chờ đợi để đánh mất cơ hội. Đảm bảo các dự án đi vào hoạt động phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường. Dự báo nguồn nhân lực vào các doanh nghiệp để có chính sách đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư tập trung vào các thế mạnh như: du lịch, dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ cảng biển, logistics, khu phi thuế quan, công nghiệp phụ trợ... Đặc biệt, các khu vực đắc địa như ở KKT Chân Mây - Lăng Cô, Ban cần có kế hoạch, chính sách ưu tiên để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thương hiệu đầu tư vào, có uy tín, tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”- ông Thọ nhấn mạnh.

Được biết, năm 2019, tại Thừa Thiên Huế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ổn định và tăng trưởng khá. Trong đó, doanh thu đạt trên 28.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp hơn 20.000 tỷ đồng; thu ngân sách 2.663 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 688 triệu USD; giải quyết việc làm cho 31.500 lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Tạm ngưng hoạt động 300 doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO