Thừa Thiên Huế: Rút ngắn thủ tục hành chính, đẩy mạnh môi trường đầu tư

Văn Dinh| 10/08/2021 14:10

(TN&MT) - Dù chịu tác động của dịch COVID - 19 nhưng Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực, kêu gọi tốt đầu tư; trong đó có rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), đồng thời vẫn chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,64%. Trong đó, du lịch, dịch vụ tăng trưởng 4,86%, chiếm 47,74% trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 30,33%, tăng trưởng 6,91%; sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 12,64%, tốc độ tăng trưởng 4,66%.

Thu ngân sách ước đạt 5.357 tỷ đồng, bằng 88,3% dự toán và tăng 33,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 11.772 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công ước đạt 25,5% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 500 triệu USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ và đạt 54,4% kế hoạch năm. Toàn tỉnh đã huy động vốn ước đạt 54.600 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm.

Thừa Thiên Huế đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC

Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, với quan điểm quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, tỉnh đã triển khai rút ngắn thời gian thực hiện TTHC “Thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật/báo cáo kinh tế - kỹ thuật điều chỉnh; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng/thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng điều chỉnh của báo cáo kinh tế - kỹ thuật từ 20 ngày làm việc xuống 14 ngày làm việc (tỷ lệ 30%); rút ngắn thời gian thực hiện TTHC “Thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng/thiết kế, dự toán xây dựng điều chỉnh từ 20 ngày làm việc xuống 15 ngày làm việc (tỷ lệ 25%); Rút ngắn thời gian thực hiện TTHC “Thẩm định dự án/dự án điều chỉnh hoặc thẩm định thiết kế cơ sở/thiết kế cơ sở điều chỉnh, đối với thẩm định dự án/dự án điều chỉnh nhóm B từ không quá 30 ngày làm việc xuống 25 ngày làm việc (tỷ lệ 16,67%), nhóm C từ không quá 20 ngày làm việc xuống 15 ngày làm việc (tỷ lệ 25%). Rút ngắn thời gian thực hiện TTHC “Cấp phép xây dựng, bao gồm cấp phép xây dựng mới, cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời công trình” từ không quá 20 ngày xuống còn không quá 7 ngày làm việc (tỷ lệ 65%); riêng đối với trường hợp cần xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan thì thời gian giải quyết được rút ngắn còn 12 ngày làm việc (tỷ lệ 40%)...

Nhờ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC nên tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 479 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới (trong đó có 289 doanh nghiệp) với tổng số vốn đăng ký 2.021,6 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 212 doanh nghiệp, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Cùng với việc rút ngắn thời gian thực hiện TTHC thì tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác như tập trung chỉ đạo, giải quyết vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; đảm bảo không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp; giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kể cả thanh tra chuyên ngành...

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các dự án lớn trên địa bàn

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian tới tỉnh tiếp tục nhất quán quan điểm là phải kiên định “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID - 19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với việc bảo vệ môi trường, luôn xác định chính quyền là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đóng góp vào phát triển của tỉnh, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tập trung việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực nộp thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh. Tăng cường nghiên cứu, thực hiện các sáng kiến nhằm cắt giảm các thành phần hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định, đặc biệt đối với thủ tục đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thu hút đầu tư nhưng không dàn trải, không nóng vội, phải lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử. Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tiết giảm tối đa chi thường xuyên. Chú trọng đạ dạng hoá thị trường xuất khẩu, tích cực tìm kiếm thị trường mới. Theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn.

“Người đứng đầu các sở, ngành, UBND cấp huyện phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó chú trọng chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Hoàn thiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực. Quan tâm lĩnh vực lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời. Tổ chức triển khai ngay chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID - 19...”, ông Phương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Rút ngắn thủ tục hành chính, đẩy mạnh môi trường đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO