Thừa Thiên – Huế: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư..., là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Chuyển biến tích cực
2 năm trở lại đây, Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh, thành phố có chỉ số PCI hàng đầu cả nước (năm 2021 vị thứ 8 và năm 2022 vươn lên thứ 6). Điều này cho thấy những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Hiện, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh này đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh.
Đến nay, 100% TTHC trên địa bàn được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng; 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại; Ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, tích hợp lên ứng dụng Hue-S với trên 1 triệu tài khoản công dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia. Tỉnh cũng đã đưa vào khai thác hệ thống thông tin địa lý (GISHue); khai thác trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) với các trang thiết bị hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến... giám sát, điều hành các hoạt động của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế; môi trường sống và làm việc của người dân được cải thiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phan Qúy Phương cho biết, chỉ số PCI đã trở thành công cụ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách thông qua việc cung cấp các chỉ tiêu, dữ liệu về chất lượng điều hành kinh tế, yếu tố quan trọng đối với đầu tư và tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân. Những chỉ số thành phần PCI đã góp phần chỉ ra những lĩnh vực cải cách nào là cần thiết tại địa phương. Mỗi một đánh giá chưa tốt của cộng đồng doanh nghiệp là một điểm hạn chế mà tỉnh cần phải nỗ lực hơn nữa. Chính vì vậy, để sâu sát hơn đến từng cấp, từng ngành, nhiều năm liền tỉnh tiến hành đánh giá thêm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban, ngành và địa phương (DDCI) để xác định các hạn chế mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa cao rơi vào đơn vị nào (sở, ban, ngành hay địa phương nào), thủ tục nào, hoạt động nào, để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn.
Tiếp tục cải thiện
Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó phải kể đến là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử; chính sách hỗ trợ mặt bằng, chi phí thuê kế toán, cải tiến công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử,...
Nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư, tỉnh đã thành lập 4 Tổ công tác giám sát, quản lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã cấp phép đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư.
Theo ông Phan Quý Phương, quan điểm của tỉnh là hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải tự xoay xở để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan dự án, dứt điểm tình trạng kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính của các sở ngành cấp tỉnh; xử lý dứt điểm các vướng mắc mà dự án đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ.
“Tỉnh cũng thường xuyên tăng cường thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đang xây dựng hệ thống giải pháp quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Phương nhấn mạnh.