Thừa Thiên Huế: Nỗ lực bảo tồn làng cổ hơn 500 năm tuổi

Văn Dinh| 14/05/2020 14:16

(TN&MT) - Trong hai làng cổ hiếm hoi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia, Thừa Thiên Huế sở hữu một, chính là làng cổ Phước Tích nổi tiếng với lịch sử hơn 500 năm. Tỉnh này đang nổ lực để bảo tồn làng cổ trước sự xuống cấp của thời gian.

Làng cổ Phước Tích nằm bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa

Nét riêng của làng cổ

Làng cổ Phước Tích nằm ven sông Ô Lâu thuộc địa phận xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), được thành lập từ đầu những năm 1470, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đây là ngôi làng điển hình cho các thiết chế cộng cư nông thôn ở vùng đất Thừa Thiên Huế; và vẫn sở hữu khá nguyên vẹn những yếu tố đặc sắc cấu thành di sản như nhà rường cổ; hệ thống các công trình tín ngưỡng, tâm linh; không gian cảnh quan làng quê; thương hiệu của nghề gốm truyền thống lâu đời; nét văn hóa truyền thống quan hệ xóm giềng...

Năm 2009, Phước Tích được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia, với diện tích khoanh vùng bảo vệ hơn 430.000m2 (gồm khu vực I và khu vực II). Đây là làng cổ thứ hai sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) được công nhận.

Hiện nay, làng Phước Tích còn lưu giữ những di sản vật thể có giá trị cao về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, gồm: 13 di tích tín ngưỡng; 17 nhà thờ họ và 11 nhà thờ nhánh họ. Đặc biệt, trong 117 ngôi nhà của cư dân trong làng thì có đến 26 ngôi nhà rường cổ, và trong đó có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật. Ngôi nhà cổ nhất được dựng vào năm 1850, kế đến là ngôi nhà được dựng vào năm 1870. Hệ thống các nhà rường cổ ở Phước Tích đều có tuổi thọ trên 100 năm, tổng thể sân vườn vẫn được giữ gìn các yếu tố truyền thống. Trong khuôn viên nhà hầu như không có sự bổ sung các hạng mục chính bằng gạch, bê tông (chỉ xây mới các công trình phụ ở một bên hoặc phía sau).

Những ngôi nhà cổ quý hiếm hàng trăm năm tuổi tại Phước Tích

Năm 2015, Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành. 25/26 chủ nhà rường cổ ở Phước Tích đã thống nhất xin tham gia vào đề án. Năm 2017 đã trùng tu 3 nhà; năm 2018 cải tạo, trùng tu 8 nhà; năm 2019 cải tạo, trùng tu 9 nhà; tổng giá trị trùng tu, cải tạo là hơn 13 tỷ đồng, đạt 100% số vốn giải ngân hàng năm.

Khi triển khai thực hiện, đề án đã tạo niềm tin, sự đồng thuận của người dân làng cổ Phước Tích trong việc trùng tu, cải tạo những ngồi nhà rường cổ đang xuống cấp, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, kiến trúc đặc trưng, tạo thêm điểm nhấn để phát triển du lịch tại làng cổ Phước Tích.

Trong ngôi nhà rường vừa mới được trùng tu năm 2019, bà Lê Thị Phương chia sẻ, khi tham gia thực hiện đề án, gia đình bà đã họp gia đình và thống nhất thực hiện, đồng thời vận động thêm anh em trong gia đình đóng góp thêm 400 triệu đồng để mở rộng không gian của ngôi nhà. Trước đây ngôi nhà của bà Phương là một ngôi nhà 3 gian, sau khi tham gia đề án đã mở rộng thành ngôi nhà 3 gian 2 chái.

“Đề án đã tạo góp phần chống xuống cấp, trùng tu, phục dựng ngôi nhà rường cổ của gia đình đồng thời đảm bảo an toàn, tôn tạo cảnh quan để gia đình khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế của giá trị nhà vườn Huế đặc trưng cho ngôi làng cổ này...” bà Phương chia sẻ thêm.

“Từ nguồn vốn ngân sách của đề án với kinh phí hơn 770 triệu đồng, ngôi nhà rường cổ có tuổi đời hơn 100 năm của gia đình đã được trùng tu như nguyên bản. Trước đây ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, một số cấu kiện bằng gỗ như rui, mèn bị mối mọt, hư hỏng, tường nhà bong tróc, mái ngói hư hỏng một phần, nhờ chính sách khôi phục và phát triển nhà rường của tỉnh đã góp phần trùng tu và sửa chữa ngôi nhà”, ông Hồ Văn Tế hồ hởi.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nổ lực bảo tồn các ngôi nhà cổ

Bảo tồn, phát huy

Ngoài thương hiệu “Hương xưa làng cổ” nằm trong chuỗi các hoạt động trong mỗi dịp Festival Huế, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Việc phát triển du lịch ở Phước Tích cũng có nhiều bước khởi sắc hơn.

Hàng năm Phước Tích thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong thòi gian gần đây, Ban Quản lý làng cổ Phước Tích đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình “Học sinh về với di sản” để cho các em học sinh đến trải nghiệm, tìm hiểu thêm nhiều về lịch sử, giá trị văn hóa dân gian. Qua đó, góp phần giáo dục học sinh biết trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông.

Ông Nguyễn Vũ - Giám đốc Ban Quản lý làng cổ Phước Tích thông tin, hiện nay làng cổ Phước Tích có 14/26 nhà vườn tham gia dịch vụ tham quan nhà vườn, 5 nhà có dịch vụ homestay với sức chứa 30 người. Trong đó, triển khai 9 loại dịch vụ như: tham quan nhà rường cổ và các điểm di tích gắn với các chương trình trải nghiệm như làm các món bánh truyền thống, làm gốm Phước Tích, tham gia các trò chơi dân gian như bịt mắt đập om, bịt mắt bắt vịt, kéo co, đẩy gậy...dịch vụ homestay, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch...

Nhiều dịch vụ tham quan nhà vườn hình thành, trong đó có làm gốm

Để tiếp tục phát huy giá trị và phát triển các loại hình du lịch ở Phước Tích, hiện nay huyện Phong Điền đã hoàn thành Quy hoạch 1/500 tổng thể làng cổ Phước Tích và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt quy hoạch. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Phong Điền có cơ sở để lập các dự án kêu gọi đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng, đồng thời đảm bảo cảnh quan môi trường sinh thái phù hợp với không gian kiến trúc của làng cổ. Qua đó, nâng tầm giá trị của Phước Tích để thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, trước mắt, trong năm 2020 huyện sẽ hỗ trợ người dân cải tạo lại khôn gian vườn của nhà rường, hỗ trợ 500 triệu đồng cho 23/26 nhà rường để các hộ dân trồng cây bản địa, cải tạo vườn tạp…

“Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục trùng tu, cải tạo các nhà vườn tham gia đề án và hoàn thành trong năm 2020; tiến hành cải tạo một số cảnh quan xung quanh làng cổ như thi công nạo vét kênh đưa thuyền du lịch tham quan, trải nghiệm dọc sông Ô Lâu vào Hồ Sen. Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư đến với làng cổ Phước Tích...”, ông Bình thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Nỗ lực bảo tồn làng cổ hơn 500 năm tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO