Môi trường

Thừa Thiên - Huế: Nhiều nỗ lực để bảo vệ động vật hoang dã

Văn Dinh 24/09/2024 - 12:46

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, hiệu quả để bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD), từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân cũng như lực lượng chức năng.

Thừa Thiên - Huế nằm trong cảnh quan Trung Trường Sơn, là vùng giàu đa dạng sinh học, có nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và thế giới. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh có đến 134 loài thú và hơn 500 loài chim, mang lại các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu cho phúc lợi về kinh tế - xã hội của cộng đồng cư dân sinh sống trong khu vực cảnh quan.

459288470_955850229872997_1106026234218084633_n.jpg
Tại Thừa Thiên - Huế thời gian qua, nhiều cá thể động vật quý hiếm đã được người dân giao nộp, thả về môi trường tự nhiên

Theo Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế cho biết, trong những năm qua với áp lực từ nhiều phía, trong đó có tình trạng săn bắt, nuôi nhốt ĐVHD trái phép làm cho tài nguyên rừng, động vật bị suy giảm đáng kể. Nhiều loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Bảo vệ các loài ĐVHD đang ngày càng trở nên cấp bách. Nhận thức được vai trò to lớn của các loài ĐVHD, ngành kiểm lâm tỉnh đã có nhiều nỗ lực bảo vệ ĐVHD nói riêng và đa dạng sinh học nói chung. Kiểm lâm tỉnh luôn chỉ đạo các Hạt kiểm lâm trực thuộc tham mưu chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật và chim hoang dã.

Thời gian qua, ngành kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương các huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức họp 210 cụm (tổ) dân cư với hơn 6.750 lượt người tham gia với các nội dung tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật rừng và các loài chim hoang dã trên địa bàn tỉnh; tổ chức truyên truyền và ký cam kết với hơn 400 nhà hàng trên địa bàn toàn tỉnh về việc không mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật và chim hoang dã.

443929127_884687286989292_3567806945751408211_n.jpg
Nhiều hoạt động để nâng cao bảo vệ, bảo tồn ĐVHD được tổ chức

Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế cũng tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án triển khai nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ ĐVHD bằng nhiều hình thức như: Tập huấn cho lực lượng kiểm lâm, các cộng đồng địa phương về vấn đề bảo vệ ĐVHD bao gồm cả tập huấn kỹ năng truyền thông, thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi vi phạm có liên quan… Xây dựng và ban hành sổ tay về Quản lý, bảo vệ ĐVHD; đóng 15 panô cỡ lớn và cấp phát hơn 11.000 tranh ảnh tuyên truyền trên địa bàn toàn tỉnh nhằm cung cấp hình ảnh, thông điệp và số điện thoại đường dây nóng về bảo vệ ĐVHD; tổ chức hàng chục cuộc họp dân phổ biến pháp luật liên quan bảo vệ ĐVHD và nhiều hoạt động khác.

444236465_888257123298975_2071738728665789443_n.jpg
Lực lượng kiểm lâm tuần tra, truy quét các đối tượng sống gần rừng tàng trữ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ dùng để vào rừng săn bắt ĐVHD

Từ năm 2021 đến nay, thông qua công tác kiểm tra thường kỳ và phản ảnh từ người dân theo đường dây nóng về bảo vệ ĐVHD tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (08 4477 3030); kênh thông tin cảnh báo, tố giác tội phạm về ĐVHD thông qua Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (Hue-S) và thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 101 vụ vi phạm về mua bán, tàng trữ trái phép các loài chim hoang dã, xử phạt vi phạm hành chính gần 820.725.000 đồng. Phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, lực lượng công an, biên phòng… triển khai 98 đợt truy quét, tháo gỡ bẫy chim trời trên địa bàn toàn tỉnh. Tiêu hủy 13.298 cò giả, hơn 78.710 que dính, hơn 29.918 mét lưới và nhiều dụng cụ hỗ trợ khác như loa, máy phát, bình ắc quy…; thả về môi trường 569 cá thể chim các loại.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm về bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh là một hồi chuông cảnh báo đối với các đối tượng đã và đang thực hiện hành vi vi phạm về bảo vệ ĐVHD, đây là một trong những kết quả đạt được nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm trong tương lai về bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh. Công tác này đang được thực hiện tốt, kết hợp với công tác truyền thông cộng đồng, sự chung tay giữa các lực lượng, đơn vị và các cơ quan chức năng đã hỗ trợ rất nhiều đối với công tác bảo tồn thiên nhiên tại địa phương.

376414727_730989079025781_6797885627691182519_n.jpg
Lực lượng kiểm lâm tháo gỡ bẫy bắt chim trời

“Hiện nay ý thức bảo vệ ĐVHD của người dân đã được tăng cao, nhiều người dân đã có hành động cụ thể trong việc phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để bảo vệ ĐVHD bằng cách giao nộp các loài động vật khi phát hiện để thả về môi trường tự nhiên, báo cáo thông tin vi phạm cho kiểm lâm qua đường dây nóng hoặc Trung tâm Hue-S. Mặc dù trong thời gian qua đơn vị đã có những thành quả nhất định trong công tác bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, đâu đó việc săn bắt, mua, bán, vận chuyển và chế biến trái phép ĐVHD, đặc biệt là các loài chim trời vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi; việc giết mổ ĐVHD trái phép làm món ăn vẫn còn diễn ra tại các nhà hàng, quán ăn. Do đó, để tiếp tục bảo vệ, bảo tồn ĐVHD thì việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân cũng như lực lượng chức năng là vô cùng quan trọng. Trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan vào cuộc quyết liệt hơn nữa, với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn trong công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các loài ĐVHD”, ông Tuấn nói.

Năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành công văn hướng dẫn xử phạt các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD. Trong đó, mức xử phạt cao nhất là hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật, có mức phạt từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Chủ tịch UBND tỉnh cũng ban hành chỉ thị nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức các địa phương; tổ chức, đơn vị sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, chim trời…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Nhiều nỗ lực để bảo vệ động vật hoang dã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO