Theo Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế, nhiều năm gần đây luôn đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo. Cụ thể thực hiện chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên biển, đảo và đầm phá. Hàng năm, Sở tổ chức từ 6 - 10 hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Luật Biển Việt Nam và công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, đảo và đầm phá cho đại diện các hợp tác xã, chủ các tàu thuyền, chi hội nghề cá, các tổ chức, đoàn thể và người dân tại các địa phương ven biển.
Phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1- 8/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6) với nhiều nội dung thiết thực như mít tinh và phát động hưởng ứng các ngày lễ, tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các khu vực bãi biển của tỉnh. Các hoạt động được thực hiện trên quy mô toàn tỉnh với nhiều nội dung thiết thực, huy động sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cộng đồng.
Ngoài ra, thường xuyên phối hợp Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi - Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế - tổ chức các hội thi như “Thanh niên với biển, đảo và đầm phá quê hương”, “Ngày hội Em yêu biển, đảo quê hương”, “Vẽ tranh biển, đảo trong mắt em” cho các đoàn viên thanh niên, và các em học sinh trên địa bàn các huyện có biển.
“Nhìn chung, công tác tuyên truyền về biển, đảo được Sở triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm. Thông qua đó, nhận thức pháp luật về biển, đảo của các tổ chức, cá nhân của cộng đồng dân cư từng bước được nâng lên; giúp họ nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành pháp luật để vận dụng vào cuộc sống, giúp hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật”, ông Lê Bá Phúc – Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế nói.
Trong khi đó, sau mỗi chuyến đi biển về của ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An tổ chức nhiều buổi gặp mặt để tuyên truyền về tính pháp lý chủ quyền biển Đông của Việt Nam; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Ngư dân chăm chú nghe các báo cáo viên giải thích về tính pháp lý và những bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam... Cùng với đó, các chủ trương, đối sách của Đảng, nhà nước ta trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng được thông tin cho ngư dân nắm vững.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa - Thiên Huế cũng thường xuyên lắp đặt các tủ sách pháp luật cho các tàu đánh bắt xa bờ, gồm có rất nhiều quyển sách như “Bộ luật Hàng hải Việt Nam”, “Hỏi đáp pháp luật về biển”, tờ rơi biển, đảo Việt Nam… cho ngư dân đọc mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Trong những đầu sách cấp cho ngư dân có quyển từ phổ thông về tiếng Trung, tiếng Anh (Trung - Việt; Anh - Việt), để trong trường hợp tàu không may bị sóng gió đánh dạt vào vùng biển nước ngoài, ngư dân có thể giao tiếp bằng những câu phổ thông nhất. Việc cấp phát sách nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho ngư dân về các vùng thuộc chủ quyền Việt Nam. Các văn bản pháp luật liên quan giúp ngư dân khi vươn khơi bám biển đánh bắt thủy hải sản không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài.
Để giúp ngư dân ra khơi an tâm làm ăn, cùng với mô hình “tổ tàu thuyền an toàn trên biển”, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế còn sử dụng bộ đàm, thường xuyên kết nối thông tin liên lạc với ngư dân đánh bắt xa bờ để tiếp nhận, trao đổi thông tin giữa bờ và biển. Mỗi năm, biên phòng Thừa Thiên - Huế đã kịp thời hỗ trợ, thông báo bão, áp thấp nhiệt đới cho ngư dân đang khai thác trên biển, kịp thời trú tránh vào nơi an toàn, kêu gọi, vận động hàng chục tàu thuyền, ngư dân ứng cứu lẫn nhau khi gặp thiên tai, hoạn nạn trên biển. Qua hệ thống bộ đàm cũng tiếp nhận nhiều tin có giá trị từ biển về hoạt động vi phạm của các tàu thuyền nước ngoài vào vùng biển nước ta để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.
“Mỗi lần vươn khơi bám biển là mỗi lần tự hào. Chúng tôi được nắm vững quy định cơ bản của luật biển, các quy định về hoạt động khai thác khơi xa như chế độ thông tin, xác định vị trí tọa độ... để làm cơ sở đấu tranh pháp lý khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta trên biển Đông. Sự quan tâm giúp đở, trao đổi và cung cấp thông tin của lực lượng chức năng giúp chúng tôi yên tâm bám biển dài ngày”, ông Nguyễn Thanh Đô, một ngư dân tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) chia sẻ.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển như Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, Hải Đội 2, Đồn biên phòng Vinh Xuân, Đồn biên phòng Vinh Hiền…thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, xem phim tài liệu tìm hiểu về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo, biên giới đất liền đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những bằng chứng lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, thông tin cho giáo viên và học sinh về tình hình trên biển trong thời gian qua; nhiệm vụ, chức năng và những kết đạt được biên phòng Thừa Thiên - Huế trong hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vùng biển của tỉnh trong thời gian qua.
Thừa Thiên Huế là tỉnh ven biển thuộc khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 120 km. Bên cạnh đó, tỉnh có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai diện tích khoảng 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á