Thừa Thiên – Huế: Nâng cảnh báo rủi ro thiên tai lên mức 2, cấm người dân vào rừng
(TN&MT) - Trước tình hình mưa lớn, cơ quan chức năng ở Thừa Thiên – Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, quản lý chặt ghe thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi vào rừng; sẵn sàng cho học sinh, sinh viên nghỉ học khi xảy ra lũ lụt.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa phát công điện khẩn gửi các địa phương, cơ quan, chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn về nâng mức cảnh báo rủi ro thiên tai do mưa lớn, giông lốc.
Theo đó, để chủ động ứng phó với mưa lớn gây ngập úng vùng trũng, khu đô thị, sạt lở đất vùng núi và gò đồi, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã và TP. Huế; các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai về ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chỉ đạo của UBND tỉnh tập trung phòng ngừa, chủ động thực hiện các phương án ứng phó thiên tai năm 2023 trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết qua các bản tin dự báo, cảnh báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, cơ quan Khí tượng Thủy văn Trung ương, trang thông tin Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh...
UBND các huyện, thị xã và TP. Huế chỉ đạo rà soát phương án sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng đô thị. Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, cấm đường các khu vực nguy cơ rất cao xảy ra sạt trượt không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.
Kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thủy sản, các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản; có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại chăn nuôi đảm an toàn; phương án bảo vệ diện tích hoa màu chưa thu hoạch xong.
Sở GD&ĐT tỉnh, Đại học Huế theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ, sạt lở tại địa phương sẵn sàng triển khai phương án cho học sinh, sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi… thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra công tác an toàn đề phòng lũ quét, ngập úng, sạt lở đất bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên, người lao động; bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua khu vực thi công công trình dở dang, khơi thông dòng chảy phòng tránh ngập úng. Các chủ công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ tối 11 đến hết ngày 13/10, tại Thừa Thiên - Huế dự báo có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to, đề phòng giông, lốc, sét. Tổng lượng mưa của cả đợt phổ biến 200-400 mm, có nơi trên 500 mm. Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét ở cấp 2.
Ghi nhận của PV, mưa lớn những ngày qua tại Thừa Thiên – Huế đã khiến nhiều vũng trũng ngập lụt, một số nơi sạt lở, hơn 20.000 hộ dân mất điện.