(TN&MT) - Hàng trăm cây thông có đường kính gần 30cm nằm cách công trình hầm đường bộ đèo Phước Tượng thuộc xã Lộc Trì, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế chừng 1km phía đỉnh đèo đã bị đốn hạ không thương tiếc trong suốt mấy ngày qua. Việc làm khuất tất này được “hợp thức hóa” khi viện cớ là rừng thuộc diện tích thanh lý để mở hầm đường bộ. Song thực tế lại không như vậy...
Những đốn gỗ thông vừa hạ chuẩn bị lên xe tải |
Thông già “chảy máu”
Nhận được tin báo có vụ phá chặt phá rừng nghiêm trọng, trong sáng ngày 23/9, chúng tôi có mặt tại chân đèo Phước Tượng (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc- Thừa Thiên Huế), nơi có công trường đang thi công hầm đường bộ Phước Tượng- Phú Gia do Bộ Giao Thông Vận tải khởi công vào tháng 5 vừa qua. Theo chỉ dẫn của dân “thổ địa”, chúng tôi men theo con đường mới mở lên khu rừng thông bên lưng đèo Phước Tượng (thuộc thôn Phước Tượng, xã Lộc Trì). Dọc hai bên đường, hàng trăm cây thông già đã bị đốn hạ và được cưa thành từng khúc dài 2-3 mét nằm chất đống lần lượt chuyển lên xe tải đưa ra khỏi rừng. Xung quanh đó vẫn còn hiện trường những chiếc bát đang còn đọng nhựa thông. Càng lên cao, hàng loạt gốc thông già có đường kính hơn 30cm (hơn 1,5 gang tay) mới bị hạ còn nguyên dấu cưa và mủ tươi đang ứa ra nằm la liệt.
Xe lên đèo Phước Tượng chở gỗ thông mới chặt phá |
Tại hiện trường, có 5-7 thanh niên đang cầm rựa, mác nhưng khi thấy người lạ đến, họ liền dừng tay giải lao. Một trung niên trong nhóm này hỏi chúng tôi: “Đi đâu, mua thông hả”. “Em muốn tìm một số cây đường kính lớn để làm kèo, đóng la- phông” tôi vào chuyện. Một trung niên khác đang ngồi bệt bên một gốc thông vừa hạ buông giọng: “Cả đống đấy, muốn gốc nào lựa đi”. Chuyện trò với một phụ nữ đang róc lá, gom gỗ thông, chị cho biết: “Bọn tui làm thuê cho một chủ doanh nghiệp mua bán gỗ ở xã Lộc Điền tên Lạc. Mấy ngày nay, chúng tôi được khoán chặt, làm sạch cành lá để xe chuyển đi. Mấy anh thanh niên thì tui không biết, nhưng tiền công của tui được trả một ngày 140 nghìn đồng”. Khi tôi hỏi rừng thông này do ai quản lý thì người phụ nữ trong nhóm trả lời họ chỉ biết ông chủ Lạc thuê chặt, ngoài ra gốc tích khu rừng này của ai thì chịu.
Tiến sâu đến con đường độc đạo, tôi bắt gặp thêm một tốp thanh niên cũng là quân của doanh nghiệp ông Lạc. Xung quanh nào là mác, rựa, cưa tay cùng với đống gỗ thông ngổn ngang. Một tốp khác khoảng 2-3 thanh niên đang giải lao nằm võng dưới những tán thông vững chải bên cạnh những cây thông vừa bị hạ gục...
Nhiều gốc thông già vừa đốn hạ chưa ráo nhựa vào sáng 23/9 |
Chính quyền “ngoài cuộc”?
Theo người dân địa phương, khu vực rừng thông ở đèo Phước Tượng được trồng theo dự án PAM từ trước năm 1993. Suốt mấy năm qua, nhờ có diện tích rừng thông này đã tạo nên cảnh quan hùng vĩ, độc đáo cho đèo Phước Tượng. Hơn thế, rừng thông này còn đóng vai trò rất to lớn trong việc giữ đất, giữ nước, ngăn tình trạng sạt lở đất đá từ đỉnh đèo đổ xuống.
Theo người dẫn đường chúng tôi cho biết, trong những cuộc họp dân, chính ông Hoàng Văn Giải- Bí thư Huyện ủy Phú Lộc đã chỉ đạo những cánh rừng thông trên đèo Phước Tượng (Lộc Trì) hay Mũi Né (thị trấn Phú Lộc) không được khai phá đốn hạ tùy tiện, những người dân trong vùng phải có trách nhiệm quản lý bảo vệ. Thế nhưng, không biết vì mục đích gì mà hàng trăm gốc thông già lại bị tàn triệt quá đau xót. Theo phán đoán của người dân sở tại, có lẽ chủ nhân của rừng keo nằm xen cạnh khu rừng thông này (một trong những cán bộ cấp huyện) muốn nhân cơ hội này cấu kết với địa phương thanh lý luôn rừng thông để mở rộng diện tích rừng trồng.
Qua giờ trưa, chúng tôi liên lạc với anh Lương Dũng - Giám đốc Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Phú Lộc để nắm rõ khu vực rừng thông đang “chảy máu” trên đèo Phước Tượng do đơn vị nào quản lý. Anh Dũng cho tôi biết, hiện nay xã Lộc Trì đang quản lý diện tích rừng thông này. Chúng tôi liên lạc trao đổi với ông Trần Xuân Diệu- Chủ tịch UBND xã Lộc Trì về tình hình rừng thông Phước Tượng bị triệt phá thì ông cho biết không rõ ai đang đốn hạ. Khi chúng tôi hỏi thêm và nói rõ vị trí khu vực rừng thông đang bị đốn hạ, ông Diệu chỉ nói qua loa là đơn vị đang thi công hầm đường bộ Phước Tượng đốn hạ một số cây vì họ đã hỗ trợ kinh phí đền bù...
Tan hoang rừng thông |
Ngay tại hiện trường chúng tôi khảo sát, từ điểm triển khai xây dựng hầm Phước Tượng đến khu vực đội công nhân đang đốn hạ rừng thông là không dưới 1 km. Vì lý do này chúng tôi muốn trao đổi thêm với Chủ tịch Diệu để muốn rõ hơn về số phận rừng thông Phước Tượng thì được ông Diệu từ chối với lý do bận họp. Một điều khó hiểu, khi chúng tôi đến trụ sở UBND xã Lộc Trì thì ông Diệu tiếp tục từ chối với tôi qua điện thoại - Tôi ra ngoài rồi!
Chúng tôi nghĩ tình trạng nhân công, phương tiện ngang nhiên, ồ ạt vào chặt phá rừng thông trong suốt mấy ngày qua trên đèo Phước Tượng mà chính quyền địa phương không hay biết quả là điều vô lý. Hay dù cho số rừng thông bị đốn hạ thuộc diện tích thanh lý để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án mở hầm đường bộ Phước Tượng theo lý giải của chính quyền địa phương đi nữa càng không hợp lý và không chấp nhận được.
Trong khi chính những người dân sở tại lại có ý thức ra sức bảo vệ, thương tiết vì rừng thông bị “chảy máu” thì những cán bộ, lãnh đạo lại làm ngơ qua chuyện. Cứ đà này và cách quản lý buông lỏng, thiếu trách nhiệm như vậy thì không bao lâu nữa rừng thông phía Bắc đèo Phước Tượng sẽ biến mất, trở thành đèo trọc.
Bài & ảnh: Xuân Giang