Thừa Thiên Huế: Loay hoay “bài toán” rác thải

06/09/2019 09:03

(TN&MT) - Dù Thừa Thiên Huế đã và đang có nhiều nơi xử lý rác nhưng tính ổn định vẫn chưa cao. Nhà máy rác Lộc Thủy thì bị dân phản đối phải đóng cửa, nhà máy rác Thủy Phương gây ô nhiễm phải tạm ngưng tiếp nhận rác... Vì thế, rác thải luôn được xem là “bài toán” nan giải ở Thừa Thiên Huế trong một thời gian dài.

Tình trạng xả rác vẫn diễn ra hàng ngày từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Tình trạng xả rác vẫn diễn ra hàng ngày từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Bất cập

Qua thống kê gần nhất, mỗi ngày toàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát sinh khoảng 600 tấn rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại. Riêng khu vực TP. Huế phát sinh mỗi ngày 200 tấn rác sinh hoạt thì có đến 6% là rác nhựa và túi ni lông. Đó là chưa nói lượng chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn y tế, chất thải rắn công nghiệp thải ra hàng ngày...

Dù Thừa Thiên Huế thời gian qua đã duy trì tốt phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, thế nhưng tình trạng rác thải bừa bãi đang tồn tại rất nhiều nơi. Chỉ đi dọc tuyến QL1A thì PV đã nhận thấy rất nhiều đống rác gây ô nhiễm. Trên kênh tương tác đô thị thông minh của tỉnh, người dân cũng gửi rất nhiều hình ảnh rác thải khắp làng, ngõ... đủ để thấy tình trạng rác thải tại Thừa Thiên Huế đang nhức nhối chừng nào.

Thực tế cho thấy, việc rác quá tải đã khiến nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề xử lý rác, tình trạng ô nhiễm... tại các nhà máy xử lý rác tại Thừa Thiên Huế diễn ra rất “nóng” trong những năm gần đây.

Có thể kể đến như từ khi Nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy (thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) hoạt động vào năm 2012 với mục đích thu gom và xử lý rác của 18 xã, thị trấn của huyện với công suất 135 tấn rác/ngày, người dân địa phương luôn “kêu trời” vì không khí hôi hám, nguy cơ bệnh tật, không thể sản xuất nông nghiệp do đất đai, nguồn nước ô nhiễm...

Người dân thôn Nam Phước “bao vây” xe chở rác từ nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy
Người dân thôn Nam Phước “bao vây” xe chở rác từ nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy

Đỉnh điểm là tháng 2/2017, người dân thôn Nam Phước đã rất nhiều lần cùng nhau ra đường ngăn cản không cho xe chở rác vào bãi đổ. Lý do mà dân đưa ra là bãi rác này nhập thêm một lượng rác lớn từ các huyện lân cận khiến rác cứ dồn đống theo thời gian dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng. Trước phản ứng quyết liệt của người dân, hơn 2 năm qua, nhà máy đã dừng hoạt động, ngưng tiếp nhận, chôn lấp rác...

Trong khi đó, Nhà máy xử lý rác Thủy Phương (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) do Công ty Tâm Sinh Nghĩa đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2007, với công suất xử lý 200 tấn rác/ngày. Khoảng 10 năm hoạt động, cơ bản nhà máy này đã giải quyết được vấn đề rác thải của tỉnh. Tuy nhiên, vì số lượng rác quá lớn nên nhà máy này quá tải từ năm 2017, xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại địa phương khiến người dân sống xung quanh vô cùng bức khó chịu và kiến nghị. Lãnh đạo Thừa Thiên Huế sau đó đã kiểm tra và yêu cầu tạm ngưng tiếp nhận rác.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hàng chục làng nghề và ngành nghề nông thôn. Nhưng vấn đề xử lý chất thải rắn ở khu vực kinh tế này từ xưa đến nay vẫn còn bị bỏ ngỏ. Khi không có cơ sở hạ tầng, người dân không biết đổ chất thải ở đâu, nên buộc họ phải vứt ra đường, xuống ao, hồ, sông ngòi, kênh mương,… tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

“Núi rác” tồn đọng tại Nhà máy xử lý rác Thủy Phương gây ô nhiễm
“Núi rác” tồn đọng tại Nhà máy xử lý rác Thủy Phương gây ô nhiễm

Tìm lời giải

Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế thông tin, hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 7 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh. Tính đến tháng 4/2019. UBND tỉnh đã giao cho các sở ban ngành làm chủ đầu tư và triển khai các dự án đầu tư xây dựng (11 dự án) có liên quan đến việc xử lý chất thải rắn. Các dự án này khi đưa vào vận hành cùng với các khu xử lý, bãi chôn lấp hợp vệ sinh hiện có sẽ đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh, đủ khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải rắn phát sinh hàng năm (từ 450 tấn/ngày đến 700 tấn/ngày). Hiện các dự án đang triển khai thuộc Khu xử lý chất thải rắn tập trung Phú Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Thủy Phương, Khu xử lý Lộc Thủy và Khu xử lý chất thải rắn tập trung Hương Bình đóng vai trò chính trong việc tiếp nhận, xử lý chất thải rắn cho những năm tiếp theo...

Cụ thể, Khu xử lý chất thải rắn Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) hiện nay do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) quản lý, vận hành, trung bình tiếp nhận khoảng 500tấn/ngày. Trong năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho HEPCO làm chủ đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp Bãi chôn lấp số 2. Công trình này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 9/2018, với ô chôn lấp sau khi cải tạo, nâng cấp có sức chứa khoảng 350.000m3 (trường tiếp nhận và xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh với khối lượng chôn lấp rác tươi khoảng 300tấn/ngày thì khoảng 3,5 năm thì đầy bãi).

Về Nhà máy chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy gây ô nhiễm khiến dân chặn xe rác như kể trên, Sở Xây dựng cho biết hiện đã hoàn thành dự án di dời các hộ dân thuộc phạm vi 300m tính từ hàng rào Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy (do UBND huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư).

“UBND tỉnh đã thống nhất, phê duyệt chủ trương đầu tư xây lắp lò đốt chất thải rắn sinh hoạt thuộc Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thuỷ, công suất xử lý chất thải rắn dự kiến của lò đốt 1 tấn/giờ, thời hạn thực hiện 2 năm. Hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã lấy ý kiến dân cư và được phê duyệt; dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay. Khi lò đốt này đưa vào sử dụng kết hợp với ô chôn lấp hiện trạng thì sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn thuộc địa bàn Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô và huyện Phú Lộc...”- Sở Xây dựng cho hay.

Đóng vài trò quan trọng bậc nhất trong các dự án xử lý chất thải rắn tại Thừa Thiên Huế hiện nay là Khu xử lý chất thải rắn tập trung Phú Sơn (thị xã Hương Thủy). Theo ông Hoàng Hải Minh - Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế, để giải quyết vấn đề khi đóng cửa bãi rác Thủy Phương, tỉnh đã xây dựng thêm 2 dự án tại Phú Sơn.

Cụ thể, gồm Dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại Phú Sơn (thuộc Khu xử lý chất thải rắn tập trung Phú Sơn. Dự án này được UBND tỉnh giao Sở TN&MT làm chủ đầu tư, quy mô đầu tư có khu chôn lấp hợp vệ sinh gồm 2 ô chôn lấp, tổng sức chứa khoảng 148.650m3. Hiện dự án đang triển khai thi công, hoàn thành khối lượng cơ bản, sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2019. Trong khi đó Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn (thuộc Khu xử lý chất thải rắn tập trung Phú Sơn) vừa chọn được nhà đầu tư là Công ty China Everbright. Nhà máy có diện tích 12ha, bao gồm khu vực nhà máy xử lý, khu chôn lấp tro bay, trạm phát điện và các công trình phụ trợ khác.

“Trong quá trình triển khai dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, hướng tuyến của tuyến đường này đi qua khu vực của dự án do vậy công tác quy hoạch phải điều chỉnh lại. Dự kiến khởi công dự án vào tháng 12/2019 và hoàn thành vào tháng 6/2021. Giai đoạn 1 thì công suất xử lý khoảng 400 tấn rác/ngày đêm, công suất lắp máy tua bin phát điện là 7,5 MW; giai đoạn 2 khi xây dựng tiếp sẽ có công suất xử lý khoảng 600 tấn rác/ngày đêm...”- ông Minh thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Loay hoay “bài toán” rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO