Nhận được phản ánh của người dân tổ 3 - phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc một lò mổ gia súc tư nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn, PV đã về tận nơi để tìm hiểu.
Theo quan sát, lò mổ có diện tích khá lớn. Dù PV đã đứng cách xa lò hơn 100m và mang khẩu trang nhưng mùi hôi vẫn xộc thẳng vào bên trong mũi. Khi đến gần thì mùi hôi còn nặng hơn.
Bên cạnh lò mổ có một hồ nước rộng dùng để chứa hỗn hợp nước thải màu đỏ đục do sự pha trộn của lông, huyết ứ, phân... gia súc từ lò mổ chảy ra.
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nước thải còn ngấm ra đường mương phía sau lò mổ, nước ở mương đen đặc và hôi thối. Đường mương này sát ruộng lúa của người dân vì thế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề sinh trưởng của cây.
Người dân cho biết vào mùa mưa thì nước ô nhiễm đó tràn sâu ra cả cánh đồng, nguy cơ dịch bệnh phát sinh là vô cùng lớn.
“Lò đó lâu rồi, phải hơn 10 năm rồi. Nhà tôi cách lò hơn 200m nhưng khi có gió vẫn nghe thấy mùi hôi xộc vào mũi huống chi đến gần. Tôi chỉ sợ trẻ nhỏ bị bệnh. Làm ăn thì cho đàng hoàng chứ xả thải ra ngoài ngang nhiên như thế thì ai mà chịu được...”, một người dân bức xúc.
Cũng theo người dân, mỗi ngày còn có hàng chục chuyến xe chở gia súc chạy ngang qua con đường Võ Liêm - nơi nhiều hộ dân sinh sống, mùi hôi nồng nặc không thể chịu nổi.
Người dân sống trên địa bàn đã nhiều lần có ý kiến tại các cuộc họp cũng như tiếp xúc cử tri để mong các cơ quan chức năng vào cuộc, tìm cách xử lý qua đó trả lại môi trường trong lành nhưng sự việc vẫn “án binh bất động”, còn mùi hôi cứ ngày càng nặng hơn.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Võ Đức Duy - Chủ tịch UBND phường Thủy Châu cho biết, lò mổ trên đã tồn tại từ năm 2006 đến nay, chủ là bà Nguyễn Thị Búp (người địa phương) và bà này thuê đất đến 30 năm để kinh doanh. Sự thật là ai ai đi đến lò thì cũng hôi. Trước kia người dân có phản ánh và phường đã nhiều lần kết hợp với phòng TN&MT thị xã Hương Thủy thành lập đoàn liên ngành về kiểm tra. Qua kiểm tra thì cơ quan chuyên môn bảo rằng vấn đề ô nhiễm không đáng ngại...
“Chúng tôi định kỳ kiểm tra 2 lần mỗi năm hoặc có những lúc dân phản ánh thì kiểm tra ngay. Có lần kiểm tra vào ban đêm thì chủ không cho vào, sau khi huy động công an thì mới cho. Họ bảo có lắp đặt biogas và khi xả nước thải ra hồ thì dùng hóa chất để xử lý. Ở góc độ của địa phương thì không nắm rõ giới hạn cho phép về môi trường nên cũng khó khăn...”- ông Duy nói.
Về việc xả thải ra bên ngoài ảnh hưởng đến ruộng lúa thì ông Duy bảo lâu nay chưa nghe và sẽ xem lại.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Phan Bồng - Phó phòng TN&MT thị xã Hương Thủy cho hay khi nào phường Thủy Châu yêu cầu về kiểm tra thì phòng về xem thế nào thôi; lâu nay chưa đi kiểm tra lại lò mổ trên và sắp tới sẽ lên kế hoạch đi thực địa lại xem thế nào...?.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có trách nhiệm cần sớm vào cuộc để mang lại môi trường trong lành hơn cho người dân.