Thừa Thiên Huế: Lâm tặc “xẻ thịt”, rừng phòng hộ A Lưới “chảy máu” nghiêm trọng

26/09/2018 13:21

(TN&MT) - Rừng phòng hộ A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang bị “chảy máu” nghiêm trọng, khi lâm tặc xuất hiện dựng lán trại và chặt hạ cả ngày lẫn đêm. Điều đáng nói là lực lượng chức năng trên địa bàn không hề biết dù đường vào rừng chỉ có một lối đi duy nhất.

Rừng phòng hộ A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị chặt phá nghiêm trọng
Rừng phòng hộ A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị chặt phá nghiêm trọng
 

Tan hoang rừng phòng hộ

Những ngày qua, tại các tiểu khu 297 và 311 thuộc rừng phòng hộ A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc nhiều cây gỗ quý lâu năm.

Tại tiểu khu 311 (xã Hương Phong), PV nhận thấy ở khu vực đỉnh núi là cảnh nhiều cây gỗ lớn, có đường kính 0,5-1m bị cưa trơ gốc, gỗ nằm rải rác khắp nơi. Nhiều cây đã bị xẻ thành tấm, chờ mang ra ngoài. Bên cạnh đó, những vật dụng như can đựng nguyên liệu, dao chặt... được lâm tặc bỏ lại với nhiều dấu tích còn mới.

Rời tiểu khu 311, PV tiếp tục men theo con đường độc đạo để đến tiểu khu 297 (xã Phú Vinh). Theo quan sát, trong bán kính khoảng 100m, hơn 20 gốc cây cổ thụ quý bị chặt hạ, trong đó chủ yếu là dổi, quế rừng, chò... Trên tuyến đường mòn băng qua các quả đồi, lâm tặc đốn hạ hàng chục cây để làm hành lang 2 bên đường. Hơn thế, lâm tặc còn “đầu tư” làm một cây cầu khỉ để vận chuyển gỗ qua chỗ sạt lở.

Những gốc cây to lớn bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc
Những gốc cây to lớn bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc

Sau khi chặt hạ, lâm tặc dùng cưa máy xẻ phách ngay tại hiện trường và dùng máy tời kéo về tập kết dưới một con suối sâu trong rừng. Tiếng cưa máy nổ vang xóa tan bầu yên tĩnh của cả khu rừng... Những lán trại cũng được dựng nên cho lâm tặc ẩn náu...

Từ cầu Mỏ Quạ (trên tuyến QL 49A nối TP. Huế đi A Lưới) chỉ có một con đường độc đạo để dẫn vào các khu rừng đang bị lâm tặc tàn phá. Sự việc xảy ra trong một thời gian dài và nhiều người hoài nghi có sự móc nối, tiếp tay giữa cán bộ quản lí rừng và lâm tặc.

“Người dân không dễ gì chạy xe vào sâu trong rừng vì mỗi lần xe đến ngang cổng sẽ có cán bộ quản lí rừng xuống kiểm tra...”, một người bản địa chia sẻ.

Lâm tặc dựng lán trại làm nơi trú ẩn trong rừng
Lâm tặc dựng lán trại làm nơi trú ẩn trong rừng

Đơn vị quản lý lên tiếng!

Liên quan đến sự việc, ông Văn Thân - Giám đốc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ A Lưới thừa nhận, tiểu khu 297 và 311 là rừng phòng hộ do đơn vị này quản lý. Hiện BQL rừng phòng hộ A Lưới quản lý 23.508 ha với 35 tiểu khu và thuộc địa bàn của 8 xã.

Sau khi sự việc xảy ra, BQL rừng phòng hộ A Lưới đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm A Lưới kiểm tra hiện trường tại tiểu khu 297 do đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ quản lý. Qua kiểm tra tại khu vực này, phát hiện 24 cây bị chặt hạ có đường kính trung bình từ 40 đến 60cm, nằm rải rác. Các cây bị chặt hạ là quế rừng, trám chũa, chò, mỡ, dẻ thuộc gỗ nhóm 6, nhóm 7. Ngoài ra, tại khu vực được kiểm tra còn phát hiện 26 phách gỗ chò, trám với khối lượng hơn 2,3 khối đang nằm lại trong khu vực này.

“Chặt một cây gỗ trong rừng cũng đã vi phạm rồi huống hồ ở đây hàng loạt cây rừng bị lâm tặc đốn hạ. Những cây gỗ này dấu tích bị đốn hạ còn rất mới, chắc chắn là lâm tặc mới phá. Để xảy ra tình trạng phá rừng như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo và cán bộ đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ...”- ông Thân nói.

Dao chặt để lại và những vết cưa vẫn còn rất mới...
Dao chặt để lại và những vết cưa vẫn còn rất mới...

Cũng theo ông Thân, mới đây đơn vị cũng đã phát hiện tình trạng khai thác gỗ trái phép tại khu vực này, yêu cầu 8 cán bộ của đội Bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ viết bản kiểm điểm vì công tác tuần tra, kiểm soát còn lỏng lẽo. “Để chuyển gỗ ra ngoài thì chỉ có cách là mở công cho đi vì để vào khu rừng này, chỉ có một con đường độc đạo. Chắc chắn có sự tiếp tay, bao che cho lâm tặc. Tôi sẽ lập tổ công tác đến hiện trường kiểm tra. Sau đó, sẽ tiếp tục yêu cầu lãnh đạo và cán bộ đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ viết kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm để xử lý.. - ông Thân nói thêm.

Trong khi đó, ông Lê Nhân Đức - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện A Lưới cho hay về mặt quản lí nhà nước thì Hạt có trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng phá rừng.

Theo ông Đức, diện tích rừng lớn mà nhân lực lại mỏng nên việc tuần tra chưa quán xuyến được địa bàn. Từ đầu năm đến nay, Hạt đã phối hợp BQL rừng phòng hộ A Lưới đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét và bắt giữ 6 vụ khai thác gỗ lậu, thu giữ 8 khối gỗ. “Tại các khu vực đó, chỉ có một kiểm lâm viên phụ trách nên tình trạng phá rừng không khỏi diễn ra. Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với BQL rừng phòng hộ A Lưới tổ chức tăng cường lực lượng tại khu vực này...”, ông Đức nói thêm.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Lâm tặc “xẻ thịt”, rừng phòng hộ A Lưới “chảy máu” nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO