Kinh tế khởi sắc
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, năm 2022 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách; vì vậy, kinh tế - xã hội đã phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực; đã có 14/14 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,56%, vượt kế hoạch đề ra là 6,5-7,5%; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 66.348 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đến năm 2022 ước đạt 57 triệu đồng, tương đương 2.429 USD, tăng 10,9% so cùng kỳ, vượt 79 USD so với kế hoạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.230 triệu USD, đạt 109% kế hoạch; tổng thu từ du lịch ước khoảng 4.500 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 52.442 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ, vượt 16,3% so với kế hoạch năm. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.701 tỷ đồng, vượt 85,1% dự toán, tăng 12% cùng kỳ.
Ước cả năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% tổng kế hoạch vốn, trong đó, giải ngân hết 100% vốn cân đối ngân sách địa phương và khoảng 96% vốn ngân sách Trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng so với cùng kỳ; tính đến 21/11/2022, có 745 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.847,5 tỷ đồng; tăng 35,5% về lượng và tăng 47% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại 441 doanh nghiệp, tăng 98 doanh nghiệp. Lũy kế đến ngày 31/10/2022, trên địa bàn tỉnh có 6.079 doanh nghiệp đang hoạt động.
Tính đến 21/11/2022, đã cấp phép cho 28 dự án với vốn đầu tư đăng ký đạt 14.002 tỷ đồng; trong đó, có 5 dự án FDI với vốn đăng ký 231,7 triệu USD, tương đương 5.321,5 tỷ đồng, tăng 40% về vốn so với cùng kỳ; có 23 dự án vốn đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 8.680 tỷ đồng.
Dù kinh tế - xã hội có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ. Dịch COVID-19, thiên tai, giá xăng dầu,… đã tác động lớn đến việc phát triển các ngành lĩnh vực của tỉnh, trong đó một số ngành chịu tác động trực tiếp, mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu, nông nghiệp, xây dựng.
“Việc bố trí kinh phí và nguồn lực cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng đúng nhu cầu; chưa quy định cụ thể để xác định giá sàn để kiểm soát giá gói thầu trong đấu thầu đối với ngành y tế; trong một số trường hợp đặc thù không quy định cho phép chỉ định thầu đã gây khó khăn, kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu. Đối với các dự án ngoài ngân sách còn nhiều vướng mắc về quy hoạch xây dựng, giải phóng mặt bằng, công tác rà soát thu hồi dự án không có khả năng triển khai còn chậm. Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển đã ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực đầu tư do phải lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái như các dự án công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao,... dẫn đến hạn chế trong thu hút đầu tư”, ông Phương nói.
Tiếp tục nổ lực phấn đấu
Trong năm 2023, Thừa Thiên – Huế đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 9-10%; GRDP bình quân đầu người 2.670 – 2.760 USD; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 12% so với thực hiện năm 2022; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 12% trở lên...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, năm 2023 được dự báo đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đòi hỏi nhu cầu nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển để đạt mục tiêu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong khi đó, việc cân đối nguồn lực của địa phương, hỗ trợ từ Trung ương và huy động các nguồn lực khác còn nhiều khó khăn, hạn chế,… sẽ tác động trực tiếp đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp tạo giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu lớn; nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển đô thị thông minh và bền vững. Huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử. Hoàn thành các chương trình, đề án Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.
“Tỉnh sẽ tập trung xây dựng hoàn thành các quy hoạch, đề án như Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên - Huế trực thuộc Trung ương; Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên - Huế và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quý I/2023”, ông Phương thông tin.