Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế
(TN&MT) - Ngày 6/4, tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị còn có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; cùng lãnh đạo các Bộ ban ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo các tỉnh miền Trung, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn và các ý kiến góp ý quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các hiệp hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thành việc lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Hai Quy hoạch này có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững, tạo không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh; từng bước tháo gỡ những “điểm nghẽn”, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.
“Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư hôm nay là sự tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là dịp tỉnh công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển của tỉnh cũng như tiếp tục đóng góp, đề xuất, kiến nghị, giúp đỡ tỉnh phát triển trong tương lai và để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện”, ông Phương chia sẻ.
Phát biểu tại sự kiện, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được trong thời gian qua; Huế là vùng đất địa linh, nhân kiệt, văn hiến, cố đô lịch sử, thành phố di sản của thế giới, với nhiều di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Người Thừa Thiên - Huế có bản sắc, nét đẹp văn hóa đặc trưng, “rất Huế”, hiền hòa, tinh tế, chân thành, hiếu khách, chịu thương, chịu khó, yêu lao động, có truyền thống hiếu học lâu đời. Con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định với sự phát triển của Thừa Thiên - Huế.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng đây là một sự kiện đặc biệt, nội dung kết hợp “3 trong 1” gồm công bố Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế và xúc tiến đầu tư của tỉnh; thể hiện tầm nhìn phát triển Thừa Thiên - Huế được xây dựng một cách bài bản, lớp lang, chiến lược và dài hạn và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng khẳng định, quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Thủ tướng đã chỉ ra 13 chữ đối với quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế là: Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh sạch đẹp, an toàn, bền vững.
Đánh giá về Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng cho rằng, quy hoạch được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh; Các Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới và mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới cho Thừa Thiên - Huế trong bức tranh chung của các tỉnh, thành trên cả nước.
Về các định hướng, ưu tiên phát triển, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào 3 trung tâm đô thị; 3 hành lang kinh tế; 3 động lực tăng trưởng; 5 khâu đột phá phát triển. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Thừa Thiên - Huế cần chú trọng, tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh”.
“1 trọng tâm” là huy động mọi nguồn lực hợp pháp và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
“2 tăng cường” là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người; Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi.
“3 đẩy mạnh” là đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Tỉnh cần tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024. Phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn Nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô - Bạch Mã, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Quần thể di tích Cố đô Huế...
Quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, đối với Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu, tỉnh phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng hơn bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng”.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Thừa Thiên - Huế để đầu tư; tin tưởng các dự án sẽ triển khai thành công, mang lại hiệu quả thiết thực. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần “ba cùng”: cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển.
Tại hội nghị, tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp phép mới cho 13 dự án với tổng vốn đăng ký trên 3,5 nghìn tỷ đồng.
Theo Quy hoạch của Chính phủ, đến 2025 đô thị Huế là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương có yếu tố đặc thù. Đây là đô thị phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cố đô, bản sắc văn hóa Huế, đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Huế sẽ là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao…
Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.
Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; là thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2065, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố festival nằm trong nhóm dẫn đầu của hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, hướng đến hội nhập với các đô thị nổi bật tầm cỡ châu Á và thế giới. Thừa Thiên - Huế sẽ có trình độ phát triển kinh tế cao trên cơ sở hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn, kết nối thuận lợi với quốc tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt tốc độ cao; có nền sản xuất phát triển, hệ thống dịch vụ và logistics hiệu quả...
Về các định hướng, ưu tiên phát triển, Quy hoạch xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 3 động lực tăng trưởng, 5 khâu đột phá phát triển.3 trung tâm đô thị, gồm: (1) Đô thị trung tâm (gồm thành phố Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà), (2) Đô thị vùng Tây Bắc (gồm thị xã Phong Điền-Quảng Điền-A Lưới), (3) Đô thị vùng Đông Nam (gồm các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông).
3 hành lang kinh tế, gồm: (1) Hành lang kinh tế Bắc-Nam, (2) Hành lang kinh tế Đông-Tây, (3) Hành lang kinh tế đô thị hướng biển.
3 động lực tăng trưởng, gồm: (1) Thành phố Huế, (2) Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, (3) Khu công nghiệp Phong Điền.5 khâu đột phá phát triển là: (1) Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh; (2) Hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng viễn thông, (3) Phát triển kinh tế biển, đầm phá, hệ thống cảng biển nước sâu; (4) Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; (5) Thúc đẩy dịch vụ - du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản Cố đô Huế.