Dân lo lắng vì thiếu nước sản xuất
Tại Huế vào tháng 10 và tháng 11 hằng năm thì thường xuất hiện các đợt mưa lũ, thậm chí là lớn. Tuy nhiên, đến nay địa phương này vẫn chưa xuất hiện đợt mưa lũ nào, điều này khác hẳn so với mọi năm; gần nhất là năm ngoái khi khoảng thời gian này Huế đã lũ rất lớn và kéo dài...
Hơn 2 tháng nay, thời tiết ở Huế vẫn oi bức, nắng chói chang và thi thoảng có những cơn mưa bất chợt nhưng không kéo dài một buổi. Người dân Huế chưa bao giờ phải đón hạn giữa mùa mưa như thế này. Cơ quan chức năng nhận định, tình trạng hạn giữa mùa mưa là điều bất thường chưa từng xảy ra trong hơn 20 năm qua tại Thừa Thiên Huế.
Theo ghi nhận của PV, tại huyện Nam Đông được xem là vùng đất có nhiều mưa nhất trên địa bàn Thừa Thiên Huế nhưng năm nay mưa quá ít, hàng chục cánh đồng khô héo...
Trong sự lo lắng, ông Hồ Văn Đời (59 tuổi, trú xã Hương Hòa, huyện Nam Đông) cho hay ông sống hơn 40 năm qua ở huyện nhưng chưa bao giờ phải chịu hạn vào mùa mưa như năm nay.
“Trước đây, cứ đến vụ đông xuân là người dân phải ra đồng đắp bờ ngăn nước, còn năm nay chẳng có giọt nước nào. Hạn hán như này chỉ làm cho có làm chứ chưa biết mùa màng ra sao nữa. Chắc chắn nhiều nông dân trong xã sẽ sớm chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây chịu hạn”- ông Đời nói.
Tại xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), cả tháng qua hầu như mọi cánh đồng đều vắng bóng người. Nhiều chiếc máy cày đang nằm phơi nắng trên các cánh đồng khô cằn, nứt nẻ...
“Gần cả đời người gắn bó với vùng trũng này nhưng tôi chưa bao giờ thấy thời tiết lạ lùng như năm này. Giữa tháng 11 rồi mà nắng vẫn rát mặt. Người dân nơi đây cầu mong có trận lụt lớn để bồi đắp phù sa cho cây cối, hoa màu, diệt chuột bọ ở đồng ruộng nhưng với thời tiết này thì chắc không còn lụt nữa rồi”- ông Trần Văn Hùng (62 tuổi, trú thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu) thổ lộ.
Trong khi đó, hàng ngàn hộ nông dân của 5 xã ở vùng ngũ điền thuộc huyện Phong Điền và các xã: Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng Lợi... của huyện Quảng Điền cũng đứng ngồi không yên khi các hồ thủy lợi vừa và nhỏ ở các huyện đang khô kiệt.
Còn tại xã Quảng Thọ, hàng chục hộ dân trồng hoa Tết cũng đang rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn khi không ít diện tích hoa Tết cũng đã héo úa, chết trụi do nắng gắt kéo dài. Tại những vựa lúa ở các địa phương khác như Hương Trà, Phú Lộc, Hương Thủy..., tình trạng thiếu nước cũng đang diễn ra.
Được biết, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 56 hồ chứa thủy lợi và 6 hồ thủy điện đã đi vào vận hành khai thác. Hiện hầu hết các hồ chứa đều khô cạn nước, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, kinh doanh điện...
Chuyển đổi cây trồng?
Ông Phan Đăng Bảo- Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) cho rằng, nếu không có mưa lớn, các hồ, trằm trên cát khô kiệt, vụ lúa đông xuân 2018-2019 cũng khó khăn chứ chưa nói vụ hè thu...
Theo ông Đỗ Văn Đính- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế, hiên tại gần cả ngàn hecta ruộng lúa trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ không thể xuống giống vì tình trạng hạn hán bất thường giữa mùa mưa.
“Hiện hệ thống hồ đập do chúng tôi quản lý và khai thác mới đạt khoảng 50% mực nước so với tổng thiết kế hàng năm. Trong đó, nhiều công trình hồ đập mới chỉ tích được 15-20% lượng nước. Đối với các hồ chứa, các trằm như Niêm-Thiềm-Mối, Hòa Mỹ, Nam Giảng... ở vùng cát nội đồng các huyện Quảng Điền, Phong Điền bị khô kiệt, không có khả năng phục vụ sản xuất. Đây là hiện tượng bất thường trong vòng 20 năm trở lại đây, đang mùa mưa mà lượng mưa sụt rất mạnh. Nếu tình trạng này kéo dài thì vào mùa khô năm sau, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ đối mặt với hạn hán. Nông dân chính là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”- ông Đính nói.
Cũng theo ông Đính, đối với những khu vực đồng ruộng không có nguồn nước, nếu trong thời gian tới không có mưa thì không thể xuống giống.
“Có khoảng 15-20% diện tích ruộng lúa lấy nguồn nước tưới từ hệ thống hồ đập do công ty quản lý, khai thác phải chuyển sang trồng các loại cây khác. Diện tích phải chuyển đổi có thể lên đến 300-500ha. Nếu tính cả những vùng của các địa phương thì diện tích ruộng toàn tỉnh phải chuyển đổi lên đến cả ngàn héc-ta”- ông Đính thông tin.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế, nông dân phải kiểm tra hệ thống các tuyến đê ngăn mặn, tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng, tích lũy nước tưới để đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời cho sản xuất vụ đông xuân. Đồng thời, chuẩn bị máy móc, phương tiện để có phương án đấu úng khi có mưa lớn xảy ra. Nông dân tuyệt đối không được sử dụng nhóm thuốc diệt cỏ có hoạt chất Glyphosate và Paraquat phun trừ lúa chét, cỏ dại trên đồng ruộng trước khi làm đất sẽ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa sau khi gieo sạ và nguy hại đất môi trường...
Ông Nguyễn Văn Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã yêu cầu các chủ hồ chứa tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình diễn biến thời tiết để vận hành hồ chứa tuân thủ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương...
Nhận định trước diễn biến thời tiết diễn ra khó lường, dòng chảy hạn chế và lượng mưa ít, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Phương đề nghị Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ thời tiết và sản xuất của người dân, đề nghị các hồ đập, hồ chứa phải sẵn sàng ứng phó với tình trạng nắng hạn kéo dài. Nghiêm túc thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa cũng như theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có phương án ứng phó, tích nước hợp lí để vừa phát điện vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo môi trường vùng hạ du.