Thừa Thiên Huế: “Khát” đất sản xuất, dân rời bỏ khu tái định cư

15/08/2018 13:30

(TN&MT) - Nhiều hộ dân đến khu tái định cư Lim (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) với mục đích sinh sống, khai thác đất sản xuất, trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian thì họ đành rời đi vì “khát” đất sản xuất, cuộc sống lại khó khăn...

Khu tái định cư Lim được thành lập theo chủ trương giãn dân của Nhà nước
Khu tái định cư Lim được thành lập theo chủ trương giãn dân của Nhà nước


Thiếu đất

Theo chủ trương giãn dân của Nhà nước thì hơn 10 năm trước, thị xã Hương Trà đã thành lập khu tái định cư Lim, đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng gồm điện, đường, trường học và hỗ trợ người dân xây nhà...; qua đó đưa khoảng 100 hộ dân phường Hương Hồ đến sinh sống, khai hoang lập nghiệp.

Thời gian đầu có gần 30 hộ dân đến, chỉ chưa đầy 3 năm sau số hộ lên đến hơn 60. Đường sá sạch đẹp, điện, nước vào tận từng nhà dân. Trường mầm non, tiểu học, nhà cộng đồng được xây dựng khang trang, đầy đủ... Tuy nhiên có một nghịch lý là người dân vẫn bị nợ đất sản xuất từ đó cho đến nay.

Ông Trần Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND phường Hương Hồ cho biết: “Ngoài số tiền hỗ trợ 28 triệu đồng xây dựng nhà ở, theo chủ trương dự án sẽ phân lô, giao đất trồng rừng 120ha và mỗi hộ dân sẽ được giao bình quân 2,5ha đất, trong đó có 2ha đất lâm nghiệp và 0,5ha đất nông nghiệp. Thế nhưng đến nay, 2ha đất lâm nghiệp, người dân vẫn chưa nhận được”.

Đường vào Khu tái định cư Lim hoang vắng
Đường vào Khu tái định cư Lim hoang vắng

Đường vào Khu tái định cư Lim khá hoang vắng, hai bên toàn cây cối và không một bóng người. Có mặt tại đây, PV nhận thấy nhiều căn nhà cấp 4 cửa khóa then cài, không có người ở, cỏ dại mục xung quanh sân vườn. Đất đai ít nên hầu hết các hộ chỉ chăn nuôi vài con lợn, con gà.

“Lúc đầu, khi nghe chính quyền địa phương thông báo hộ nào lên vùng Lim sẽ được hỗ trợ 2ha đất lâm nghiệp để trồng rừng. Nghe rứa, tui là người đầu tiên tiên phong lên đây, đợt 1 đó là năm 2004. Ai ngờ 10 năm lên đây định cư vẫn không được cấp đất theo như cam kết mà chỉ có đất thổ cư. Cả gia đình chỉ phụ thuộc vào vườn cây ăn trái cằn cỗi, vì rứa cái nghèo vẫn cứ đeo bám riết”- ông Hoàng Như Sấm (68 tuổi) chia sẻ.

Nhiều căn nhà trong tình trạng đóng cửa lâu ngày
Nhiều căn nhà trong tình trạng đóng cửa lâu ngày

Cách nhà ông Sấm không xa là căn nhà cấp 4 xây bằng bờ lô vẫn chưa tô trét của vợ chồng chị Lê Thị Minh Hồng (35 tuổi). “Tôi lên đây ở vào khoảng năm 2010 nhưng từ đó đến nay sống thật khó khăn. Đất rừng thì không cấp. Con tôi thì ra ngoài phường học vì ở đây ít học sinh quá, trường học vì thế mà bỏ hoang, cũ kỹ...”- chị Hồng thổ lộ.

Ngoài đất sản xuất, người dân mong muốn được hỗ trợ vốn. “Tôi từng có ý định mở rộng quy mô vườn ươm giống keo lên 30 vạn cây phục vụ nhu cầu trồng rừng tại địa phương nhưng phần thiếu đất, phần thiếu vốn nên đến nay vẫn chưa thực hiện được...”, một người dân nói.

Người dân cũng mong rằng các cấp, ban ngành quan tâm tạo điều kiện cấp đất và tín chấp cho vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ngoài hỗ trợ về vốn, người dân cần được hỗ trợ các mô hình kinh tế, kết hợp chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất tiên tiến nhằm mang lại hiệu quả...

Cuộc sống khó khăn, thiếu đất sản xuất khiến người dân rời khu tái định cư
Cuộc sống khó khăn, thiếu đất sản xuất khiến người dân rời khu tái định cư

Khu tái định cư sắp “chết”

Được biết trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị rất nhiều lần việc mong bố trí thêm đất trồng rừng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

“Cuộc sống quá bấp bênh mà bám trụ nơi đây thì muốn lâu dài cũng chẳng biết ra sao. Tui chỉ mong được cấp chừng 2 ha đất để trồng rừng, có điều kiện phát triển kinh tế”- anh Huỳnh Đình Tuyên (khu tái định cư Lim) bộc bạch.

“Hồi đó cứ có hộ nào chuyển đến, tôi cũng như bà con khu tái định cư rất vui. Giờ đây mỗi lần chứng kiến từng hộ bỏ lại nhà cửa trở về nơi ở cũ thì hụt hẫng lắm, rời đi chặp không còn ai thì. Chính vì không cấp đất dân mới bỏ về...”- ông Hoàng Như Sấm lo lắng.

Nhiều công trình được đầu tư để thu hút dân nhưng thiếu hiệu quả, bỏ hoang và đang xuống cấp
Nhiều công trình được đầu tư để thu hút dân nhưng thiếu hiệu quả, bỏ hoang và đang xuống cấp

Ông Đồng Sỹ Bôn- Tổ trưởng Tổ dân phố 12, phường Hương Hồ xác nhận, do thiếu đất và cuộc sống khó khăn nên có khoảng 30 hộ dân đã rời bỏ nhà cửa chuyển về nơi ở cũ; chỉ còn hơn 30 hộ dân còn bám trụ lại vùng Lim.

Ngoài việc không có đất sản xuất thì khu tái định cư Lim còn lãng phí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Bởi lẽ, trước khi người dân đến ở, nhà nước đã triển khai xây dựng 1 nhà mẫu giáo bán trú, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và một dãy phòng học dành cho lớp ghép bậc tiểu học. Tuy nhiên, do số hộ dân rời bỏ khu Lim quá nhiều, số lượng học sinh quá ít, độ tuổi không đồng đều không thể mở lớp học... nên các công trình đành bỏ hoang, xuống cấp, cỏ dại cứ thế bao phủ.

Nếu không được quan tâm thì có lẻ Khu tái định cư Lim sẽ khó kéo dài...
Nếu không được quan tâm thì có lẻ Khu tái định cư Lim sẽ khó kéo dài...

Ông Trần Duy Tuyến- Bí thư Thị ủy Hương Trà cho rằng, việc người dân Khu tái định cư Lim có nguyện vọng được cấp mỗi hộ 2ha đất trồng rừng là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay việc tìm quỹ đất để cấp cho dân rất khó khăn, đó chưa nói là hầu hết diện tích đất trồng rừng kinh tế trên địa bàn thị xã đều có chủ.

“Thị xã cũng kiến nghị tỉnh có biện pháp thu hồi một số diện tích đất rừng để cấp cho người dân tái định cư Lim, qua đó đảm bảo sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. Ngoài ra có biện pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua tín chấp vay vốn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình mới đưa vào sản xuất phù hợp vùng gò đồi...”- ông Tuyến thông tin.

Như vậy, không biết đến khi nào các hộ dân ở khu tái định cư Lim mới được cấp đất như cam kết. Và nguy cơ rời bỏ nơi này để trở về nơi ở cũ sẽ tiếp tục tăng lên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: “Khát” đất sản xuất, dân rời bỏ khu tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO