Môi trường

Thừa Thiên – Huế: Khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống

Văn Dinh 16/11/2023 - 19:02

(TN&MT) - Hiện tại ở Thừa Thiên – Huế, lũ trên các sông đang rút, mưa tạm ngớt. Lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa lũ và thăm hỏi, động viên người dân tại các vùng thấp trũng.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ ngày 13 đến 16/11, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng, kéo dài. Riêng huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc có mưa đặc biệt to, với lượng mưa phổ biến 600-900 mm, có nơi cao hơn như Xuân Lộc, Phú Lộc 1.305 mm; Thủy điện Bình Điền-Hương Trà 1.237 mm; Thượng Quảng, Nam Đông 1.093 mm; Thủy Điện Rào Trăng 1.150 mm; Vườn Quốc gia Bạch Mã 1.128 mm.

z4886572140889_37821639681a0c970cd5e1963ee65d21.jpg
Các tuyến đường ở TP. Huế vẫn còn ngập trong chiều 16/11

Đến nay, toàn tỉnh có 17.345 nhà dân bị ngập, 1 người chết, 2 người mất tích, 2 người bị thương. Các địa phương đã sơ tán 3.968 hộ dân, với 10.800 nhân khẩu. Riêng toàn TP. Huế có 85% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập.

Theo ghi nhận của PV tại TP. Huế, đến tối 16/11, do mưa ngớt nên nước lũ đã rút dần, chỉ còn một số đường thấp trũng còn ngập tầm nữa mét. Người dân khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, quán sá. Mực nước trên sông Hương, sông Bồ cũng đã hạ, xuống dưới báo động 3.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, UBND các phường, xã trên địa bàn TP. Huế đã huy động lực lượng cùng ra quân tổng dọn vệ sinh tại tuyến đường và trụ sở cơ quan, đơn vị với phương châm “nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó”.

z4886180738778_e8e484165e14ca2a5b69cf9cbed7c2cd.jpg
Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường dọn bùn ở các tuyến đường sau mưa lũ

Điện lực Thừa Thiên - Huế thông tin, hiện công tác kiểm tra và khôi phục lưới điện đang được triển khai. Đến trưa 16/11 khôi phục 20-40 % lưới điện sa thải, sẽ khôi phục 90-100 % trong sáng ngày 17/11. Ngành điện cũng đã có phương án đảm bảo nguồn điện, ưu tiên cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cơ sở y tế, bệnh viện, nhà máy cấp nước sinh hoạt.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khôi phục lưu thông trở lại, sau khoảng hai ngày bị ách tắc do mưa lũ gây ngập lụt ở nhiều đoạn. Các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh cũng đang được khắc phục khẩn trương. Học sinh toàn tỉnh vẫn được cho nghỉ học trong ngày 17/11.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã đến các “rốn lũ” thăm hỏi người dân, yêu cầu chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, lực lượng công an, quân đội giúp đỡ bà con nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Đồng thời thống kê, kiểm đếm thiệt hại để tỉnh có hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân yên tâm ổn định cuộc sống. Chú ý các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, ngay khi nước rút phải thực hiện ngay việc tiêu độc, khử trùng, tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát sau lũ.

“Nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trước mắt là khắc phục nhanh sự cố về giao thông, thủy lợi, ưu tiên các công trình cấp thiết; đảm bảo lương thực cho nhân dân, nhất là ở các khu vực bị cô lập; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ. Các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, cảnh báo bà con nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó…”, ông Phương nhấn mạnh.

z4885707360560_d19b364bac2b5b1ff7849ed808bbe836.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế thăm, tặng quà bà con vùng lũ

Lãnh đạo Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu ngành y tế rà soát, đảm bảo trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất cho công tác tiêu độc, khử khuẩn tại các chợ dân sinh, các khu vực dân cư bị ngập lụt. Ngành giáo dục và đào tạo cần rà soát, thống kê các điểm trường ở các vùng thấp trũng học sinh chưa thể đến trường, có kế hoạch, kịch bản chi tiết, cụ thể cho từng điểm trường.

Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, chính quyền và các tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng triển khai nhiều hoạt động cứu trợ. Trong chiều 16/11, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam hỗ trợ 731 hộ trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng thiên tai, kinh phí mỗi hộ 1,8 triệu đồng để mua lương thực, nhu yếu phẩm.

Công an TP. Huế cho biết, sẽ tổ chức nhiều hoạt động cứu trợ, hướng về các địa bàn chịu thiệt hại nặng sau mưa lũ và tăng cường lực lượng, phương tiện, phối hợp với công an các xã, phường nhanh chóng giúp người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, kiên quyết không để bùng phát dịch bệnh.

z4885193639927_3b063f1f99168e26f647ac6977328001.jpg
Cứu trợ cho người dân bị ngập lũ

Theo TTXVN đưa tin, trước tình hình mưa lũ nghiêm trọng tại Thừa Thiên - Huế, ngày 16/11, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng, trị giá 220 triệu đồng gồm hỗ trợ tiền mặt là 100 triệu đồng và 200 thùng hàng gia đình với các vật dụng thiết yếu. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam dự kiến, trong chiều 16/11, hàng hóa sẽ được vận chuyển từ kho hàng miền Trung đặt tại Đà Nẵng đến tỉnh Thừa Thiên-Huế để kịp thời trao đến tay người dân địa phương.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến cáo, dù hiện mưa đã ngớt nhưng người dân chú ý không nên hạ đồ đạc xuống vì mực nước các sông có thể lên lại trong tối 16/11 đến ngày 17/11, bởi dự báo trên địa bàn tỉnh vẫn còn mưa to đến rất to. Nguy cơ “lũ chồng lũ” có thể xảy ra.

Theo thông tin từ UBND phường Phú Thượng, TP. Huế, đến tối 16/, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cháu bé 3 tuổi bị nước cuốn mất tích. Vào khoảng 911h cùng ngày, trong lúc đang chơi cùng các bạn, cháu H.P.Q.N. (trú tại tổ dân phố Tây Trì Nhơn, phường Phú Thượng) không may bị trượt chân rơi xuống con kênh trước nhà, sau đó bị nước cuốn trôi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO