Buổi họp dưới sự chủ trì của ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; cùng tham dự có đầy đủ lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh...
Thừa Thiên Huế đã tiến hành họp khẩn để ứng phó với bão số 13 |
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, vào 4 giờ sáng 10/11, bão Haikui- cơn bão số 13 đã vượt qua khu vực phía Nam Lu-Dông của Philippin đi vào biển Đông.
Cụ thể, vào hồi 4 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 930km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km còn có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12...
Các lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì cuộc họp |
Trung tâm dự báo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự báo về đường đi của bão số 13 và tương tác của không khí lạnh yếu, lượng mưa trên địa bàn tỉnh có khả năng ở vào khoảng 200 - 300mm. Hiện nay, mực nước trên các sông đã xuống nhưng vẫn còn đang ở trên mức độ I. Nhằm chủ động với mưa lớn do cơn bão số 13 gây ra, các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện cần phải xả lũ để đón nước từ thượng lưu đổ về khi có mưa lớn trong những ngày tới.
Ông Phan Thanh Hùng - Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua thực tế triển khai các phương án ứng phó mưa lũ vừa qua, việc điều tiết mực nước các hồ chức nước để giảm và cắt lũ cho vùng hạ du đã thực hiện khá tốt, không có đột biến lũ trên sông Hương và sông Bồ.
Tuy nhiên, hiện mực nước các hồ chứa đã đầy nên để chủ động đón lũ trong những ngày tới, vào lúc 9h ngày 10/11, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành lệnh số 220, 221, 222 và 223 yêu cầu các hồ chứa thủy lợi, thủy điện (Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền, A Lưới) điều tiết xả nước về vùng hạ du.
Hiện tại nhiều nơi tại Huế vẫn còn chìm trong nước do mưa lũ kéo dài trong những ngày vừa qua... |
Tại buổi họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho rằng có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm qua công tác phòng chống đợt mưa lũ vừa qua. Đó là, một số địa phương vẫn còn bị bất ngờ trước tình hình mưa lũ, chưa chủ động thu hoạch thủy sản nuôi trên lồng bè và trên vùng đầm phá nên đã có thiệt hại lớn. Đặc biệt là số người chết trong mưa lũ đều do bất cẩn khi đi lại, điều này thật đáng tiếc. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến cần phải tăng cường hơn nữa...
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, các sở, ngành và ban quản lý các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong điều tiết mực nước hồ chứa; lưu ý là việc điều hành và điều tiết hợp lý, chủ động, bám sát dự báo lượng mưa để tính toán kỹ mực nước đến và đi nhằm đảm bảo an toàn hồ đập. Các địa phương tiếp tục rà soát vùng ngập lụt, vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở để thực hiện công tác di dân, nhất là các hộ dân vùng biển để phòng tránh bão 13, tiếp tục nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và kêu gọi tàu thuyền vào nơi trách trú an toàn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiêm túc thực hiện Công điện khẩn của Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai và Công điện của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, chủ động thực hiện các phương án đối phó để không bị lũ chồng lũ đối với việc xả lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
“Cần tăng cường kiểm tra để kịp thời cứu đói cho những hộ dân vùng thấp trũng ngập nước còn bị cô lập, yêu cầu người dân tích trữ thêm các nhu yếu phẩm thiết yếu, kiểm tra lượng hàng dự trữ để bảo quản và cấp phát cho người dân kịp thời cho những ngày mưa lũ tới...”- ông Phương nói.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, lũ lụt tại Thừa Thiên Huế đã làm cho trên 71.000 ngôi nhà bị ngập từ 0,2-0,8m, có nơi ngập sâu đến 1,5 m. Mưa lũ cũng làm 11 người chết và 6 người bị thương.
Bài, ảnh: Văn Dinh