Thời gian gần đây, rất nhiều phong trào nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa đang được các sở, ban, ngành... tại tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực triển khai, lan rộng sâu sắc đến nhiều tầng lớp từ trí thức đến quần chúng nhân dân.
Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã triển khai thực hiện “Mô hình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thi văn minh. Phong trào này đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, trong đó có nhiều cách làm hay, sáng tạo được chị em hội viên đồng tình ủng hộ, đơn cử là mô hình “Biến rác thải thành tiền” ở các chi hội phụ nữ.
Chị Trần Thị Huyền- Chi hội trưởng phụ nữ thôn 13 (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) cho biết, chi hội phụ nữ thôn 13 có 70 hội viên, là chi hội vùng biển, đời sống của chị em phụ nữ chủ yếu là đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Mô hình “Biến rác thải thành tiền” của chi hội phụ nữ thôn triển khai thực hiện vào giữa năm 2018.
“Chi hội đã bầu ra ban chủ nhiệm và có quy chế hoạt động cụ thể. Lúc đầu mới triển khai mô hình gặp không ít khó khăn, số lượng hội viên tham gia thấp, một số chị không mặn mà với mô hình. Nhưng sau khoảng 3 tháng đi vào hoạt động, mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả, rác thải trên các tuyến đường, khu dân cư được thu gom sạch sẽ, không còn tình trạng người dân xả rác thải bừa bãi như trước đây. Nhờ vậy đến nay, 100% hội viên của chi hội đều tham gia mô hình”- chị Huyền chia sẻ.
Để thực hiện có hiệu quả mô hình, chị em hội viên đã tự thu gom và phân loại rác thải tại hộ gia đình và trên các tuyến đường làng ngõ xóm như: các vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt, các chai nhựa, hộp nhựa, vỏ hộp sữa, giấy báo... và đến ngày 15 hàng tháng, các chị đem đến điểm tập kết nhà văn hóa thôn để nộp và bán, các chị vừa thu gom phân loại xử lý rác thải, vừa tuyên truyền vận động nhân dân bỏ rác đúng nơi quy định, làm đẹp môi trường nông thôn.
Qua hơn một năm triển khai thực hiện, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của chị em hội viên nói riêng cũng như các tầng lớp nhân dân nói chung và thu được nguồn quỹ gần 4 triệu đồng. Nguồn quỹ này được chi hội tổ chức thăm và tặng quà cho chị em hội viên phụ nữ nghèo trong dịp lễ, tết và ngày quốc tế phụ nữ...
“Từ hiệu quả ở thôn 13, sau đó Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quảng Ngạn đã triển khai thực hiện ở các chi hội thôn 1, thôn 2, thôn 3 và các chi hội đã thu được nguồn quỹ hơn 8 triệu đồng. Năm 2019, Hội sẽ triển khai thực hiện ở các chi hội còn lại trên địa bàn xã. Mô hình vừa góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng, xanh, sạch đẹp, hạn chế tình trạng xả rác thải bừa bãi trong các khu dân cư, đồng thời góp phần giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống trong toàn xã hội. Mô hình này đặc biệt có ý nghĩa nhân văn là thông qua nguồn quỹ thu được từ việc bán phế liệu thu gom, các chi hội đã hỗ trợ tiền và tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh nghèo, khó khăn trong chi hội, qua đó động viên các hội viên nghèo vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế...”- chị Hoàng Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Xã Quảng Ngạn cho hay.
Mô hình “Biến rác thải thành tiền” cũng được chi hội phụ nữ thôn Trung Kiều (xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền) triển khai từ tháng 8/2018 và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ hội viên và nhân dân trên địa bàn xã.
Qua thực hiện mô hình “Biến rác thải thành tiền”, chị em hội viên tích cực tham gia làm vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, tích cực trồng hoa, cây xanh, bỏ rác và phân loại rác thải đúng nơi quy định, tích cực hưởng ứng “Ngày chủ nhật xanh”. Năm 2019, mô hình được nhân rộng ở chi hội thôn Lai Hà (xã Quảng Thái) và sẽ nhân rộng ở các chi hội tiếp theo trên địa bàn xã.
Được biết mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quảng Phú cũng vừa tổ chức ra mắt “Mô hình biến rác thải thành tiền”, thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh” và được chị em hội viên hưởng ứng tích cực...
Trao đổi với PV, chị Đoàn Thị Bảo Thư - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) thông tin, hiện toàn huyện có 8 chi hội phụ nữ đã thực hiện mô hình “Biến rác thải thành tiền” với trên 500 thành viên tham gia.
“Xây dựng môi trường sống nông thôn ngày càng “Sáng, xanh, sạch đẹp”; hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ và hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần; “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” là mục tiêu để Hội Liên hiệp phụ nữ các địa phương của huyện Quảng Điền triển khai mô hình “Biến rác thải thành tiền”. Qua quá trình thực hiện đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của chị em phụ nữ nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung trong công tác thu gom, xử lý và phân loại rác thải, tiếp đến là sử dụng nước sạch, tiết kiệm nguồn nước, biết tác hại của túi ni lông, chất thải gây ô nhiễm môi trường. Dần dần, với hiệu quả, tính thiết thực của mô hình đã thu hút nhiều chị em tham gia”- chị Thư bộc bạch.