Thừa Thiên Huế: Đường kinh tế - quốc phòng hơn 500 tỷ “đắp chiếu”

30/10/2018 13:00

(TN&MT) - Thi công được một thời gian thì con đường có số vốn hơn 500 tỷ bỗng đình trệ; máy móc và thiết bị được bỏ lại dẫn đến hư hỏng nặng. Nhiều điểm sạt lở hai bên đường khiến giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. Nơi đây cũng tạo điều kiện cho “lâm tặc” phá rừng...

Tuyến đường quốc phòng kinh tế Nam Đông - A Lưới thi công chậm tiến độ, việc đi lại dường như là điều không thể
Tuyến đường quốc phòng kinh tế Nam Đông - A Lưới thi công chậm tiến độ, việc đi lại dường như là điều không thể
 

Đó là đường quốc phòng - kinh tế Nam Đông - A Lưới (còn được gọi là đường 74) giai đoạn 2, có chiều dài khoảng 50 km nối liền hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo tìm hiểu, đường 74 này có điểm đầu tuyến tại km 15+674 thuộc khu vực Khe La Ma (huyện Nam Đông) và điểm cuối tại km 50 giao nhau với đường Hồ Chí Minh tại thôn A Ho (xã A Roàng, huyện A Lưới).

Trong chiến tranh, đường 74 là con đường quan trọng trong liên lạc, vận chuyển quân giới của bộ đội ta. Đường này sau đó do chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên bị lấp, không đi lại được. Thế nên, vào năm 2011, Bộ Quốc Phòng đầu tư xây dựng lại con đường này.

Những bao xi măng nằm từng đống, cỏ dại phủ đầy tuyến đường
Những bao xi măng nằm từng đống, cỏ dại phủ đầy tuyến đường

Tuyến đường dự kiến sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi với kết cấu mặt đường bê tông xi măng và bê tông nhựa. Toàn bộ dự án xây dựng mới gồm 12 cầu, trong đó 2 cầu lớn và 10 cầu trung với tổng mức đầu tư 537,3 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thời gian thi công từ năm 2011 đến 2015.

Phần đường do Công ty xây lắp Dầu khí I và Liên doanh Công ty CP Việt Trung - Công ty CPĐT xây dựng Đức Mạnh - Công ty CP giao thông Đức Trung trúng thầu thi công.

Sau khi hoàn thành, đây được xem là một trong những công trình giao thông huyết mạch, quan trọng nhất nối liền giữa hai huyện Nam Đông và A Lưới, có ý nghĩa chiến lược cho phát triển giao thông nông thôn, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ quốc phòng, an ninh tại địa bàn và trong khu vực. Thế nhưng, thi công được một thời gian thì dự án bỗng dừng lại.

Nhiều đống cát sạn “khổng lồ” bỏ phí, nằm án ngữ bên đường
Nhiều đống cát sạn “khổng lồ” bỏ phí, nằm án ngữ bên đường

PV có mặt tại km 50 tại thôn A Ho (xã A Roàng), ngay sát Đội bảo vệ rừng chuyên trách A Roàng (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới) để bắt đầu đi vào con đường 74 này.

Theo quan sát, hầu như cả đoạn đường dài hàng chục km hiếm có đoạn bằng phẳng, nhiều tảng đá to nhỏ nằm trên đường khiến việc đi lại cực kỳ khó khăn. Hai bên đường, hàng loạt vách núi sau khi đơn vị thi công bạt taluy đã bị sạt lở, sụt lún.  Nhiều cây cầu với thiết kế 2-3 dầm trụ đã được xây dựng. Máy móc bị núi lở vùi lấp; vật liệu như xi măng, sắt thép nằm từng đống, rỉ rét...

Nhiều đống cát sạn “khổng lồ” nằm án ngữ bên đường, cỏ dại mọc xung quanh. Trâu bò phóng uế bừa bãi. Khung cảnh đìu hìu hoang vắng, chỉ có tiếng nước chảy và chim kêu. Thi thoảng chỉ có một số người dân đi bộ hoặc dắt xe máy để đi thăm rừng trồng hay nương rẫy.

Tuyến đường cũng là nơi dành cho lâm tặc vận chuyển gỗ lậu, trong ảnh là gỗ do lâm tặc để lại
Tuyến đường cũng là nơi dành cho lâm tặc vận chuyển gỗ lậu, trong ảnh là gỗ do lâm tặc để lại

“Hồi đó thấy nhiều công nhân làm đường lắm, thi thoảng ngồi nói chuyện với họ cũng vui. Nhưng hơn một năm qua thì dự án bỗng dừng, không còn ai làm và đoạn đường này cũng đìu hiu từ đó. Đặc biệt khi mưa to thì không đi được luôn. Nếu con đường mà làm xong thì tuyệt biết mấy vì nơi đây vốn đã vùng núi nên đi lại cực khổ rồi...”, một thanh niên địa phương chia sẻ.

Theo người dân, kể từ khi dự án ngừng thì việc khai thác gỗ lậu qua đoạn đường 74 trở nên khó lường hơn. Ở một số điểm hai bên đường, PV nhận thấy có các khúc gỗ mà “lâm tặc” khai thác đã bỏ lại do bị lực lượng kiểm lâm phát hiện. Xa xa vẫn có nghe tiếng cưa máy...

PV tranh thủ ghé vào Đội bảo vệ rừng chuyên trách A Roàng và những cán bộ tại đây cho hay họ cũng mới tịch thu được một ít gỗ lậu, còn lâm tặc đã “bỏ chạy” từ đường 74 kể trên. Những người ở đây cũng thông tin họ đang trông coi những đống cát giùm đơn vị thi công.

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Văn Thân - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới cho biết, tuyến đường 74 chỉ tính riêng đi qua huyện A Lưới dài khoảng 22km. Ban quản lý có bố trí ở khu vực này hai đội bảo vệ rừng chuyên trách là đội A Roàng (điểm PV đi vào) và đội 74 (vào sâu cở 7km).

Nhiều điểm sạt lở rất nguy hiểm. Hiện chưa biết khi nào con đường mới được thi công lại...
Nhiều điểm sạt lở rất nguy hiểm. Hiện chưa biết khi nào con đường mới được thi công lại...

“Không biết vì lý do gì mà đường đã dừng hơn một năm qua nhưng cơ bản tình hình phá rừng ở đây giữ ở mức ổn định, chỉ có người dân ở xung quanh khai thác nhỏ lẻ ở A Roàng. Đơn vị đã và đang vận động các đội bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, lập kế hoạch truy quét; tuyên truyền vận động chính quyền xã phối hợp với hạt kiểm lâm tích cực bảo vệ rừng ở tuyến đường này...”- ông Thân cho hay.

Cũng liên quan đến con đường, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới và ông Trần Quốc Phụng - Chủ tịch UBND huyện Nam Đông đều chung quan điểm rằng chính quyền mong muốn con đường sẽ được thi công trở lại để sớm hoàn thiện, qua đó giúp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho hai địa phương.

Được biết, chủ đầu tư hiện nay của con đường này là Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì sao con đường kinh tế- quốc phòng duy nhất nối 2 huyện miền núi của Huế đến nay vẫn chưa hoàn thành, liệu rằng có những vấn đề điều chỉnh hay phát sinh gì không? Việc thi công lại sẽ diễn ra lúc nào?...

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục tìm hiểu.


Cuối năm 2017, mưa lũ liên tiếp khiến tuyến đường 74 bị sạc lở hơn 30 điểm, vì vậy nhiều máy mọc bị mắt kẹt. Ví như, chiếc ô tô trị giá hơn 700 triệu đồng của Khu Bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế bị kẹt ở một trạm thuộc địa phận xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) trong lúc đi kiểm tra rừng. Từ đó đến nay vẫn không thể đưa chiếc xe ra được khỏi đường 74. Sợ xe hỏng, đường không biết khi nào mới thi công lại để lưu thông được nên cán bộ Khu Bảo tồn Sao La đang tính nhiều phương án để “giải cứu”...
    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Đường kinh tế - quốc phòng hơn 500 tỷ “đắp chiếu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO