Xã hội

Thừa Thiên - Huế: Dự trữ 200 tấn gạo và mỳ ăn liền phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2024

Văn Dinh 06/08/2024 - 18:05

(TN&MT) - Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu… phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão; không để tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng sinh hoạt của nhân dân; UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2024.

Theo đó, sẽ dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền; dự kiến thời gian thực hiện từ ngày 15/8 đến 15/12/2024. Dự kiến tổng giá trị hỗ trợ 200 triệu đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước. Phương thức hỗ trợ sẽ hỗ trợ lãi suất vay trên giá vốn do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện. Hỗ trợ chi phí lưu kho, bảo quản: 50 đồng/kg/tháng; Hỗ trợ chi phí hao hụt: 0,3 % giá trị hàng dự trữ.

121176910_644261846235490_2062994152521560721_o.jpg
Lực lượng chức năng Thừa Thiên – Huế hỗ trợ người dân trong mùa mưa lũ

Đối tượng thực hiện sẽ là những doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật có chức năng sản xuất, kinh doanh phù hợp với các nhóm mặt hàng tham gia dự trữ. Doanh nghiệp tự nguyện tham gia và ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện sau: Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa dự trữ phòng chống lụt bão, có năng lực sản xuất, kinh doanh khả thi, năng lực tài chính lành mạnh (thể hiện qua báo cáo tài chính có xác nhận của cơ quan thuế hoặc báo cáo kiểm toán năm gần nhất, không có nợ xấu, nợ quá hạn,...). Có điểm bán hàng hoạt động ổn định trên địa bàn tỉnh, có năng lực tổ chức đưa hàng hóa đến các vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Cam kết hàng hóa tham gia dự trữ đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và bán đúng theo giá cam kết với cơ quan chức năng...

Các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ về lãi suất vay ngân hàng trên giá vốn, chi phí dự trữ, bảo quản. Đồng thời, có nghĩa vụ tổ chức dự trữ lượng hàng hóa theo quy định, đảm bảo chất lượng. Thực hiện cam kết bán theo mức giá đối với số lượng hàng hóa dự trữ theo hợp đồng đã ký kết. Chấp hành việc điều động cung ứng hàng hóa để cứu trợ bão lụt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên (1 tháng/lần) hoặc đột xuất về tình hình dự trữ hàng hóa cho Sở Công Thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Dự trữ 200 tấn gạo và mỳ ăn liền phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO